ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 55

  • Hôm nay 879

  • Tổng 10.512.689

NGƯỜI THƯƠNG BINH MỘT MÌNH NUÔI 5 CON HỌC ĐẠI HỌC

Font size : A- A A+
 Trong hội nghị biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học giai đoạn 2008 - 2013 tỉnh Quảng Bình mọi người xúc động rơi nước mắt trước bài phát biểu mộc mạc, chân thành của một đại biểu thương binh 24 năm trong cảnh “Gà trống nuôi con”, một mình nuôi 5 con Tốt nghiệp Đại học.

 DDPhung_1_18_8_2013.jpg

Thương binh Dương Đức Phụng một mình nuôi 5 con học Đại học

Người thương binh đó là anh Dương Đức Phụng, sinh năm 1950 tại quê hương cách mạng Tân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Anh sinh và lớn lên trong cái nôi cách mạng Trung Lực, Mỹ Thổ, trưởng thành trong cảnh đất nước bị chia cắt, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, quê hương Quảng Bình chìm trong máu lửa và bom đạn giặc thù. Sớm giác ngộ truyền thống yêu nước, căm thù giặc, noi gương nhiều con em Tân Thủy anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho dân tộc, năm 1967, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chàng học sinh xuất sắc của trường cấp 2 Tân Thủy đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc đơn vị Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình lúc vừa tròn 17 tuổi. Vào chiến trường, với hừng hực sức trẻ và lòng căm thù giặc sâu sắc anh đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, khí tài, cơ sở vật chất quốc phòng trên tuyến đường 20 chiến lược và trực tiếp cầm súng chiến đấu không mệt mỏi trước quân thù trên hai mặt trận phía Tây và phía Nam. Sau một trận công đồn ác liệt trên đất bạn Lào anh đã bị trúng thương, vết thương quá nặng tưởng chừng không qua khỏi, anh phải lùi về tuyến sau điều trị. Sau nhiều ngày vật lộn với số phận trước sự quan tâm đặc biệt  của trạm y tế tiền phương anh đã qua cơn nguy kịch nhưng để lại trên mình đầy thương tích không thể tiếp tục chiến đấu trong quân đội được. Tâm nguyện cống hiến trọn đời trong quân ngũ không thành hiện thực anh ngậm ngùi chia tay đồng đội trở lại quê hương.

Thế rồi, như một lẽ thường tình anh xây dựng gia đình sinh con đẻ cái, trong khó khăn vất vả 5 đứa con lần lượt ra đời trong vỡ òa hạnh phúc gia đình và tình yêu thương làng xóm. Những tưởng số phận đã mỉm cười với anh sau bao năm gian lao nơi chiến tuyến và nổi đau đớn do vết thương hành hạ. Những khốn khó của đời thường anh đều vượt qua tất cả khi nhìn sự ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày của những đứa con và sự dịu hiền, yêu thương của người vợ trẻ. Nào ngờ, tháng 11 năm 1989 người vợ rất đỗi yêu thương của anh đột ngột ra đi để lại cho anh một nách 5 đứa con thơ khi cháu út vừa tròn hai tuần tuổi. Anh tâm sự, sau nhiều đêm liền không chợp mắt được trước tiếng khóc ngằn ngặt của bé út khát sữa mẹ, sau ngày mẹ mất ba đứa con đầu của anh lần lượt nghỉ học do không đủ cơm ăn, áo mặc khi không còn bàn tay vun vén của người mẹ, bản thân anh tưởng chừng như không thể nào sống nổi nhưng nhờ sự động viên an ủi của gia đình, sự sẻ chia từng bát gạo, củ khoai của bà con làng xóm với những lời động viên kịp thời anh đã gạt nước mắt gượng đứng lên trong đau thương, mất mát.

Sau một thời gian bình tâm trở lại, bằng nghị lực phi thường của một người lính được luyện rèn trong quân ngũ anh đã sắp xếp lại nề nếp gia đình. Trước mắt, không thể để các con thất học anh đã đi vay từng đồng tiền, củ khoai, bát gạo cho các con anh rau cháo qua ngày, có lúc chung nhau từng chiếc quần, manh áo đến trường trước sự cảm thông, sẻ chia của các Thầy, cô giáo và bạn bè đồng trang lứa. Số phận không nỡ đùa dai với anh mãi, với sự quyết tâm không mệt mỏi, một mình anh vừa giữ vai trò là người cha, vừa chứa đựng tình thương yêu của người mẹ anh đã nuôi các con ăn học thành người.

Sau một thời gian vợ mất, nhiều người ái ngại sự cô đơn lẻ bóng của anh đã khuyên anh nên đi bước nữa để sớm tối có nhau nhưng theo anh, nếu tái lập gia đình làm sao tránh khỏi cảnh mẹ kế con chồng, nề nếp gia đình lại một lần nữa xáo trộn, các con không còn chuyên tâm học tập. Nghĩ vậy anh quyết định hy sinh tất cả hạnh phúc riêng tư vì tương lai các con phía trước.

Niềm hạnh phúc trở lại đầu tiên sau bao năm trong khốn khó của cảnh “Gà trống nuôi con” đó là ngày cháu Dương Đức Phương, con trai đầu của anh sau thời gian vừa đi học vừa phụ giúp bố nuôi em đã dự thi và nhận một lúc hai giấy báo trúng tuyển Đại học của hai trường lớn là Đại học An Ninh và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sáu cha con anh đã ôm nhau khóc òa trước niềm vui, hạnh phúc đến quá bất ngờ. Nêu gương sáng của anh trai các em lần lượt đỗ vào các trường Đại học, ra trường hiện ba em của Phương đã có công ăn, việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc, Dương Đức Phương là một sỹ quan an ninh xuất sắc của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các em của Phương đều là những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu trong các cơ quan đang công tác. Cháu út Dương Thị Nga không được ủ hơi ấm của mẹ khi chưa đủ 15 ngày tuổi, lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất của người cha hiện cũng đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Kinh tế, kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh...Sau thời gian công tác, có thu nhập ổn định các con anh vừa tiếp tục cùng cha nuôi em ăn học vừa chung tay, góp sức sửa chữa lại cho anh ngôi nhà ấm cúng để anh an dưỡng tuổi già và là nơi tụ họp đầy ắp tiếng cười trong những dịp tết, lễ, ngày nghỉ cuối tuần. Giờ đây, dù sức khỏe của anh không tốt nhưng nụ cười luôn nở trên môi với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc chúng tôi vô cùng khâm phục và  vui lây với bản thân và gia đình anh hiện tại.

DDPhung_2_18_8_2013.jpg
Ngôi nhà ấm cúng do các con anh chung tay góp sức sửa chữa
cho anh an dưỡng tuổi già

Biết tôi có ý tìm hiểu tư liệu để viết về tấm gương vượt khó và ghi nhận những thành quả to lớn trong phong trào khuyến học của gia đình, anh tâm sự: “Có gì đâu chú, anh còn thấy nhiều tấm gương vĩ đại hơn thế nhiều, mình chỉ là giọt nước giữa biển khơi”, trước sự khiêm tốn của một tấm gương thương binh tôi càng thêm khâm phục anh. Nhìn lại những gì đã đạt được trong kết quả học tập, rèn luyện của các con, sức vươn lên của gia đình, anh khẳng định có được thành quả hôm nay là nhờ: Trước hết phải kể đến sự thông cảm, sẻ chia của gia đình, bà con, làng xóm trong những lúc khốn khó nhất; Nhờ có ý chí vượt qua chính hoàn cảnh khó khăn, luôn xác định tương lai con trẻ là tất cả, muốn tương lai các cháu tươi đẹp phải bắt đầu từ sự học; Trong từng bước đi của các con, bố mẹ phải là người bạn, là chỗ dựa vững chắc, là tấm gương sáng cho các con soi rọi làm theo; Biết chắt chiu, quý trọng thành quả đạt được nhưng không tự thỏa mãn với chính mình và luôn có kỳ vọng vươn lên trong cuộc sống...

DDPhung_3_18_8_2013.jpg
Anh rạng ngời hạnh phúc bên các con đã trưởng thành

  Bây giờ, dù tuổi già, sức yếu, thu nhập chính là tiền lương thương binh hàng tháng không phải đã là dư dã nhưng anh luôn là người tiên phong, gương mẫu trong việc huy động, xây dựng nguồn quỹ khuyến học của gia đình, của dòng họ Dương Đức nói riêng và đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của xã nhà nói chung. Anh luôn động viên các con cùng góp sức xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài khi điều kiện cho phép bởi hơn ai hết anh rất hiểu những đồng tiền khuyến học có tác dụng to lớn góp phần quyết định tương lai tốt đẹp của thế hệ trẻ đang cắp sách đến trường, đặc biệt là những trẻ em gặp hoàn cảnh không may mắn như các con anh trước đây.

Giờ đây, những tấm bằng tốt nghiệp Đại học, những tờ giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận thành tích học tập, công tác của các con, Bằng khen của anh về công tác khuyến học, khuyến tài, những lời động viên, sẻ chia, thán phục của bạn bè, làng xóm là những phần thưởng vô giá tặng anh lúc về già, là sự đền đáp cho anh sau gần một phần tư thế kỷ vật lộn với đói nghèo nuôi con ăn học. Anh xứng đáng là một đại biểu tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh; là một tấm gương ngời sáng cho nghị lực vượt lên khó khăn trong cuộc sống có sức lan tỏa để mọi người cùng học tập và làm theo.

Lê Hữu Bình

Phòng Nội vụ Lệ Thủy


More