ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 79

  • Hôm nay 1008

  • Tổng 10.488.019

HUYỆN LỆ THỦY - CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM

Font size : A- A A+
Hiện nay, ngành chăn nuôi của huyện Lệ Thủy đang tiếp tục trên đà phát triển ổn định. Là một địa bàn hội tụ đầy đủ các điều kiện cho chăn nuôi, vì vậy Lệ Thủy rất chú trọng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm nhằm tăng năng suất lao động và giá trị sản xuất. 

Toàn huyện hiện có đàn trâu 7.620 con, tăng 7%; đàn bò 12.500 con, tăng 3,56%; đàn lợn 64.600 con, tăng 2,42%; tổng đàn gia cầm 762.210 con, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ lệ bò lai chiếm trên 40%, lợn máu ngoại chiếm 80% tổng đàn. Năm 2015, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Ngành chăn nuôi đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, tuy nhiên những tồn tại của ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chậm được khắc phục, đó là vấn đề năng suất, giá thành các sản phẩm chăn nuôi quá cao, thiếu khả năng cạnh tranh.

Ngoài những khó khăn nội tại của ngành chăn nuôi còn có nguyên nhân chủ quan như vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận của người chăn nuôi chưa mang tính thị trường, công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công tác quản lý vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa bám sát được thực tiễn sản xuất.

Để nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới thiết nghĩ cần tập trung thực hiện các giải pháp đó là:

Cần tránh tình trạng bị động và thuần túy kỹ thuật trong định hướng phát triển chăn nuôi. Cụ thể, cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng liên kết, chủ động giảm dần các loại vật nuôi kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Thực tế trong những năm vừa qua, mô hình phát triển chăn nuôi gà thả vườn; đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo bò là các mô hình điển hình, góp phần nâng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cao hơn cả về chất lượng, số lượng và cho thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi dựa trên phát huy thế mạnh kinh tế vùng của huyện;

Tiếp tục việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liền với phát huy thế mạnh của 3 vùng trên địa bàn, bao gồm: vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển. Đối với vùng đồi núi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đàn bò kết hợp trồng rừng kinh tế. Về vùng đồng bằng, tiếp tục xác định cây lúa vẫn là cây chủ lực. Đối với vùng cát ven biển, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi gia cầm; trong đó, chú trọng phát triển đàn gà, vịt theo hướng trang trại tập trung tổng hợp.

Các biện pháp cụ thể đó là cần tập trung số một cho vấn đề nâng cao chất lượng con giống gia súc, gia cầm. Để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong chăn nuôi, thiết nghĩ cần tập huấn phổ biến các công thức thức ăn chăn nuôi, khuyến khích người dân tự phối trộn, tận dụng kinh nghiệm, lao động, nguồn nguyên liệu sẵn có để làm giảm chi phí thức ăn đầu vào; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng một số loại lương thực có năng suất cao, quy hoạch diện tích trồng cỏ để chủ động phục vụ nguồn thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục chỉ đạo khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại gắn kết theo các chuỗi khép kín sản xuất, chú ý bảo vệ môi trường và khâu cung ứng thực phẩm theo cơ chế thị trường.

Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm là hướng đi tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho nông dân, góp phần tích cực trong thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới./.

Đình Hoàng - Đài TT-TH Lệ Thủy 

More