ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 52

  • Hôm nay 3241

  • Tổng 10.476.673

NÔNG DÂN LỆ THỦY VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Font size : A- A A+

             Hội Nông dân huyện Lệ Thủy có gần 30.000 hội viên, sinh hoạt ở 28 tổ chức hội cơ sở với 207 chi hội và tổ hội. Là lực lượng lao động chính ở một huyện thuần nông, nhiệm kỳ qua, Nông dân Lệ Thủy luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân huyện lần thứ X đã đề ra, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

              Huyện Lệ Thủy có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, chiếm gần 60% lao động nông thôn trong độ tuổi. Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên là nhiệm vụ then chốt, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước. Qua đó đã kịp thời động viên cán bộ, hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua của Hội gắn với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trọng điểm của huyện, góp phần đưa Nghị quyết chính trị đi vào cuộc sống.
             Bên cạnh đó, công tác xây dựng tổ chức hội được thực hiện nền nếp và có hiệu quả. Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Công tác vận động, đoàn kết, tập hợp hội viên, nông dân gắn liền với các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT đã góp phần giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập; thực hiện có hiệu quả việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nông dân…Do vậy số lượng hội viên tham gia vào tổ chức Hội ngày càng đông. Trong nhiệm kỳ, đã phát triển mới trên 5.300 hội viên, tăng 20,5% so với đầu nhiệm kỳ. Hàng năm, có trên 97% tổ chức Hội đạt khá và vững mạnh trong các phong trào hoạt động. Ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, hội viên Hội Nông dân Lệ Thủy trong nhiệm kỳ qua, ông Đặng Đại Tình- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lệ Thủy khẳng định: “Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò trung tâm, nồng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng Nông thôn mới; Đã có bước tiến trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân tham gia vào các phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình điển hình tiêu biểu của nông dân trên các lĩnh vực. Nhiều hộ nông dân đã thóat nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên chính đồng đất của quê hương mình. Hội Nông dân các cấp cũng đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông dân và nông thôn.”

               Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có tính xuyên suốt trong các phong trào thi đua, Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững đến 100% các hội cơ sở. Để thực hiện có hiệu quả phong trào này, các cấp Hội đã tham mưu cho cấp ủy có những chủ trương sát đúng phù hợp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết TW 7 (Khóa X); vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện của huyện. Hàng năm, nông dân Lệ Thủy đã triển khai sản xuất trên 13.800 ha các loại cây trồng. Người nông dân huyện lúa luôn phát huy tính cần cù, chịu khó để khắc phục thiên tai bất thường, bảo đảm không để diện tích bị bỏ hoang qua các mùa vụ và chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng. Toàn huyện đã thực hiện được gần 3.000 ha “cánh đồng lớn”; diện tích canh tác lúa cải tiến SRI trên 2.000 ha; cơ cấu bộ giống tập trung vào nhóm lúa chất lượng cao chiếm gần 50% tổng diện tích; đồng thời, nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác như trồng cam, chanh Vũ Quang, trồng dứa, các loại dưa, rau màu…trên 45 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Lệ Thủy đã bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây tập trung như mướp đắng Hưng Thủy, rau sạch Cam Thủy, Khoai lang Thanh Thủy…Bên cạnh đó, cán bộ và nhân dân huyện nhà đã có những nỗ lực trong việc khôi phục và phát triển 6 làng nghề truyền thống, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với đó, nhiều nông dân đã vươn lên là giàu từ mảnh đất của quê hương. Hàng năm, có trên 22.800 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp và đã có trên 17.000 hộ đạt danh hiệu này, trong đó đặc biệt có trên 2.000 hộ có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng một năm. Lĩnh vực nông nghiệp của huyện có sự thay đổi cả về chất lẫn lượng, mà quan trọng là tư duy trong trong sản xuất nông nghiệp của người dân đang được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sản xuất từ chỗ tự phát và manh mún, nhỏ lẻ thì nay đã chuyển dần sang thâm canh, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
               Ở tỉnh ta, Lệ Thủy được xem là “vựa lúa”, dẫn đầu cả tỉnh về cả diện tích, năng suất và sản lượng. Hàng năm, chỉ riêng vụ Đông Xuân, toàn huyện gieo trồng trên 10.170ha lúa, tổng sản lượng lương thực đạt 97.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng lương thực của tỉnh.
                An Thủy là xã trọng điểm với diện tích trồng lúa trên 1.100ha. Trên con đường đi tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, với sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, nhiều nông dân ở HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng đã trăn trở, đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”. Sản phẩm này được kiểm soát chặt chẽ từ quy trình gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch lúa đến đầu tư lắp đặt dây chuyền sấy, xay xát, đóng gói thành phẩm theo phương thức khép kín hiện đại. Sản phẩm gạo P6 của HTX Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy đã được chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần đưa ra thị trường thêm một sản phẩm sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Anh Võ Thanh Đạt- Ủy viên Hội đồng quản trị HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng- An Thủy- Lệ Thủy cho biết: “Đến nay, cơ sở Gạo sạch Lệ Thủy đã đi vào hoạt động ổn định. Cơ sở đã thu mua toàn bộ lúa cho các thành viên HTX trên diện tích 150ha, sản xuất theo quy trình khép kín, quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI và với mức giá thu mua cao hơn thị trường từ 1 đến 2 giá. Và điều quan trọng là chúng tôi đã mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch có chất lượng ATVSTP. Ngoài ra, trong thời gian qua, cơ sở đã tăng doanh thu cho HTX và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người nông dân.”

               Trong thời kỳ “lên ngôi” của sản phẩm nông sản sạch, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các quy định chất lượng hay chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vợ chồng nông dân trẻ Ngô Trí Quang và Nguyễn Thị Ngọc Nhung ở xã Ngư Thủy Bắc đã mạnh dạn đầu tư 750 triệu đồng xây dựng nhà màng trên diện tích 2.000m2 để trồng rau và quả sạch, cung cấp cho các thị trường. Trong khuôn viên nhà màng, anh Quang đã bố trí trồng gối vụ các loại cà chua, dưa lưới kết hợp nuôi cá rô phi đầu vuông. Nhờ tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng và hạn chế sự xâm nhập của các loại sâu hại, các loại côn trùng nên cây trồng phát triển tốt, năng suất đạt cao, chất lượng đảm bảo ATVSTP. Mỗi năm, từ mô hình này, gia đình anh Quang xuất đi các thị trường ở thành phố Đồng Hới, Hà Nội khoảng 18 tấn quả cà chua, 2 tấn dưa lưới, thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng. Từ nguồn nông sản sạch gia đình sản xuất được, vợ chồng anh Quang còn mạnh dạn mở quầy tiêu thụ tại Thị trấn Kiến Giang, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Anh Ngô Trí Quang- Xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy cho biết: “Xây dựng nhà màng thì có hiệu quả rõ rệt là mình có thể trồng được cây cối trong nhà quanh năm mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hay mùa màng ảnh hưởng đến từng giống cây trồng. Sản phẩm trồng trong nhà màng của tôi đạt tiêu chuẩn Vietgap, năng suất cao hơn gần như gấp đôi”

           Trong nhiệm kỳ qua, vai trò của các cấp Hội Nông dân huyện còn được cụ thể hóa thông qua công tác tập huấn, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tổ chức được trên 1.050 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 52.500 lượt hội viên; xây dựng mới 70 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề, dịch vụ với 250 hộ tham gia. Hội cũng đã tổ chức hội thi “Nhà nông đua tài”, Chăn nuôi bò lai giỏi, tham gia các hội chợ trong khu vực đã thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngân hàng duy trì 142 tổ tiết kiệm, cho trên 21.000 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền dư nợ trên 1.615 tỷ đồng. Quỹ “Hỗ trợ nông dân” toàn huyện có trên 9,3 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 310 lượt hộ vay, đầu tư trên 50 mô hình sản xuất, kinh doanh. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã trực tiếp giúp đỡ cho trên 810 hộ thoát nghèo, phối hợp giúp đỡ cho trên 200 hộ thoát nghèo. Từ các nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ khó khăn vay phát triển sản xuất có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
           Xác định vai trò chủ thể, nòng cốt trong xây dựng Nông thôn mới, nông dân Lệ Thủy đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.” Với phương châm “nông dân hiến đất, hiến kế và hiến công”, đã có hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên đóng góp tiền của, tài sản với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng và trên 90.500 m2 đất để xây dựng Nông thôn mới. Nhờ sự chung sức của cán bộ, hội viên, nông dân, đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã có 12 xã về đích Nông thôn mới và bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí. Điều đáng nói là việc xây dựng nông thôn mới ở Lệ Thủy bây giờ không chỉ tập trung hoàn thành và giữ vững các tiêu chí, mà cùng với cấp ủy, chính quyền, người nông dân đã chú ý quy hoạch lại sản xuất, hướng tới việc xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, đoạn đường kiểu mẫu, vườn mẫu…để từng bước hình thành các xã nông thôn mới kiểu mẫu. Liên Thủy là một trong những địa phương điển hình của phong trào này. Anh Hoàng Đình Đạo-Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Thủy- Lệ Thủy nói: “Thời gian qua, Hội Nông dân xã Liên Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Hội viên đã hưởng ứng tích cực, nhiệt tình bằng việc đóng góp công sức, tiền của để thực hiện làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các mô hình kinh tế, cùng góp sức để hoàn thành các tiêu chí. Nhờ đó, Liên Thủy là một trong ba xã đầu tiên của huyện Lệ Thủy về đích Nông thôn mới”.

             Ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân Lệ Thủy trên các lĩnh vực hoạt động, nhiệm kỳ 2012- 2018, Hội đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: 3 Huân chương lao động Hạng 3, 3 Bằng khen của Thủ tuớng Chính Phủ, 10 Bằng khen của TW Hội và 20 Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh. Nói về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Ông Dương Đệ Quang- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cho biết: “Trong thời gian tới, Ban chấp hành Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả nội dung lẫn phương thức hoạt động, nhằm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với 03 nhiệm vụ trọng tâm của Hội nhằm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh 03 phong trào có tính quyết định, xuyên suốt trong quá trình tổ chức, thực hiện và chỉ đạo của Hội đó là phong trào Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Xây dựng Nông thôn mới, và đảm bảo an ninh quốc phòng, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến để cho các hội viên nông dân làm theo”.
             Với việc ứng dụng tiến bộ KHKT, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông dân Lệ Thủy đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, chung sức xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng 4.0, đặt ra nhiều thách thức lớn cho nông dân Lệ Thủy, trong đó việc liên kết 4 nhà “Nhà nước- nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp” để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lao động sản xuất là một yêu cầu cấp thiết, chính đáng. Tin tưởng rằng, trên con đường phát triển và hội nhập với đường lối đúng đắn, chủ trương sáng suốt, Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân huyện Lệ Thủy lần thứ XI sẽ sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần đưa nền Nông nghiệp huyện Lệ Thủy phát triển lên một tầm cao mới: hiện đại, chất lượng và bền vững.

Một số hình ảnh tiêu biểu nông dân Lệ Thủy

 

 

An Phương- Hoài Thu

Đài TT- TH Lệ Thủy

More