ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 46

  • Hôm nay 8057

  • Tổng 10.495.101

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA HOẰNG PHÚC, MỘT CÔNG TRÌNH LỊCH SỬ, MỘT KIẾN TRÚC CỔ, ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH ĐƯỢC HỒI SINH TRÊN QUÊ HƯƠNG LỆ THỦY

Font size : A- A A+
 Chùa Hoằng Phúc xưa là chùa Kính Thiên, tục danh là Chùa Quan hay Chùa Trạm tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình có từ trước thế kỷ XIII, sau đổi thành Am Tri Kiến.

 Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du Chiêm Thành ghé qua Châu Lâm Bình lễ Phật tại Am Tri Kiến cầu bình an, phước đức cho muôn dân. Năm 1609 Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng thấy được vùng đất thiêng nơi tọa lạc của chùa Kính Thiên đã cấp lượng bạc lớn để xây dựng lại chùa trên nền đất cũ. Năm 1716 cùng với việc xây dựng và trùng tu nhiều ngôi chùa ở Thuận Hóa như chù Thủy Vân, chùa Linh Mụ...chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu lại chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch và ban tặng cho một bản đề tên: “Kính Thiên Tự”. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng ghé thăm chùa Kính Thiên cấp hàng trăm lạng bạc để tu sửa, nâng cấp chùa và cho đổi tên là “Hoằng Phúc Tự” nghĩa là Phúc lớn. Trong vòng 7 năm mà vua Minh Mạng đã liên tiếp cho cấp bạc để tu sửa lại chùa (1821, 1823, 1826) cho thấy nhà vua rất quan tâm đến chùa Hoằng Phúc.
Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc không chỉ là nơi phụng thờ đức Phật, hoằng dương Phật Pháp mà cùng với những di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: miếu Thần Hoàng, Chùa An Xá, miếu An Sinh...Chùa Hoằng Phúc còn gắn liền với bao sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương Quảng Bình.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bom đạn chiến tranh ác liệt nên hiện nay Chùa chỉ còn lưu giữ được một số tượng phật, hoành phi, câu đối, chuông đồng và nền móng ban đầu của chùa cổ...những cổ vật còn lại dù không nhiều nhưng có giá trị vô giá về khảo cổ lịch sử,văn hóa Phật giáo hình thành và phát triển trên đất Quảng Bình.
Xem xét tính lịch sử, văn hóa tâm linh của Chùa, ngày 01 tháng 6 năm 2010 UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-UBND về việc xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định xếp hạng Di tích với sự hiện diện, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp và sự chứng kiến hoan hỷ của bà con nhân dân và Phật tử xa gần.

Với bề dạy lịch sử, một đại danh lam cổ nhất trên đất Quảng Bình nên việc đầu tư phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân, bà con phật tử gần xa với ước nguyện để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống lịch sử của quê hương, đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng của nhân dân nói chung và của các phật tử nói riêng. Được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy đã có chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực để phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc. Trong thời gian qua, UBND huyện đã tích cực kêu gọi con em quê hương, bà con, phật tử và các doanh nghiệp phát tâm công đức, đóng góp, ủng hộ cho việc đầu tư phục dựng, tôn tạo lại khu di tích. Đặc biệt lãnh đạo, Cán bộ, công nhân viên chức Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã kêu gọi, vận động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và làm đầu mối kêu gọi, vận động các tổ chức và doanh nhân cùng phát tâm công đức phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc.
Từ trước đến nay, nhân dân, các nhà hảo tâm, phật tử gần xa thấy sự hoang tàn của ngôi chùa cổ nên đã nhiều lần công đức để lập lại ngôi nhà nhỏ trên nền cũ của chùa làm nơi phụng thờ các đức phật, san ủi khuôn viên làm nơi lui tới, sinh hoạt tâm linh của bà con và phật tử nhưng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Đây là lần đầu tiên, huyện Lệ Thủy được đầu tư phục dựng, tôn tạo khu Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc với quy mô lớn và đồng bộ. Trong quá trình chuẩn bị, UBND huyện đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban ngành và đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ quý báu, thành tâm của các ông, bà lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các doanh nghiệp, đối tác bằng hữu, các nhà hảo tâm trong triển khai, thực hiện dự án.
Ngày 30 tháng 11 năm 2014 (Nhằm ngày 9 tháng 10 Giáp Ngọ) Ủy ban nhân dân huyện, Ban quản lý phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc cùng với Ủy ban nhân tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trang nghiêm và long trong tổ chức lễ khởi công, đặt viên đá đầu tiên cho việc phục dựng, tôn tạo lại khu di tích sau một thời gian dài hoang tàn, đổ nát trước sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương; Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy, xã Mỹ Thủy và sự chứng kiến hoan hỷ của Chư tôn, Giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố lân cận Thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị... và bà con nhân dân, phật tử xa gần.

 

Giữ gìn, bảo tồn, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là góp phần lưu giữ một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, bảo tồn một di tích văn hóa có giá trị to lớn vật thể và phi vật thể của mảnh đất Lệ Thủy anh hùng. Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa của quê hương, đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng của nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng. Phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ cho người dân địa phương mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành Du lịch tâm linh, trong tổng thể quy hoạch phát triển Kinh tế, văn hóa xã hội huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Phục dựng tôn tạo khu Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc là hồi sinh một công trình lịch sử, một kiến trúc cổ, một điểm du lịch tâm linh thõa ước nguyện bao đời nay của nhân dân Lệ Thủy, Quảng Bình, một vùng đất "Địa linh, nhân kiệt"


Lê Hữu Bình
Trưởng phòng Nội vụ huyện Lệ Thủy

More