ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 61

  • Hôm nay 6267

  • Tổng 10.505.787

DI SẢN VĂN HÓA QUẢNG BÌNH: HÒ KHOAN LỆ THỦY

Font size : A- A A+
 Nằm ở phía Nam của Quảng Bình, nơi có dòng Kiến Giang như dải lụa đào với cánh đồng quê trù mật, bát ngát, Lệ Thủy đã sản sinh ra đứa con tinh thần hò khoan đằm thắm, trữ tình. Hò khoan của người Lệ Thủy như được chắt ra từ những giọt mồ hôi chát mặn của cha ông bao đời khai sơn phá thạch cùng hành trình chinh phục thiên nhiên và bảo vệ quê hương. Vì thế, nó chân chất, mộc mạc thơm thảo như bùn đất, kéo mọi người lại với nhau trong một câu hò, câu xố. Ai đã nghe hò khoan sẽ không khỏi có cảm giác dư ba, nhất là những người xa quê và hoài cổ.

 14_11_2013_HKLTDS_1.jpg

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe hò khoan Lệ Thủy mỗi lần về quê

 

Hồi nhỏ, tôi cùng lũ bạn thường kéo nhau đi xem hò khoan mỗi dịp trăng sáng. Các cụ ông, cụ bà ngân lên các làn điệu quê hương ở sân nhà, hoặc sân hợp tác xã. Đặc biệt, đến mùa gặt hái các thanh niên làng đập lúa trong đêm thì các cụ ông, cụ bà lại vang lên những câu xố đẹp như những câu hát huê tình. Ngày ấy, làng tôi cũng như bao làng quê Lệ Thủy khác còn nghèo lắm, cái đói, cái thiếu gạo cứ đeo bám quanh năm. Đến mùa giêng hai, hầu hết gạo nhà nào cũng không còn. Nhưng thật lạ, hội phụ lão vẫn hoạt động đều đặn. Các cụ tập trung ở nhà thôn chỉ để hò khoan cùng với bát nước chè xanh đặc sánh.

Quê tôi hồi ấy tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần!

Hò khoan Lệ Thủy tỏa sáng bởi lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật ngân nga độc đáo; phong cách gần gũi. Tôi còn nhớ, cụ bà Nguyễn Duyến có câu hò rằng: “ Mây ám trăng lờ, gió đưa đèn tắt/ Thương mẹ già nước mắt rưng rưng/ Hỏi anh đá nặng mấy tầng? Anh nói ra cho em rõ kẻo em ngập ngừng khó toan.” Ngay lập tức cụ Bơi đối lại: “ Cánh mạng đổi thay rồi đây điện sáng/ Mỹ Lộc quê mình hương rạng đèn chong/ Biết bao cảnh ngục tam tòng/ Nhờ ơn Đảng, Bác cởi xiềng gông cho giống nòi.” Thế hệ chúng tôi đã thuộc mấy câu hò khoan Lệ Thủy dù những năm ấy hò khoan chưa được nhân rộng và phổ biến, chưa đưa vào trường học như ngày nay. Chúng tôi, nghe hò khoan từ các ông bà, khi làm việc nhà, lúc nghỉ tay trên đồng, khi lễ hội hoặc đình đám.

Sau này, có điều kiện tìm hiểu, tôi được biết làng Mỹ Lộc, Lộc An, Phú Thọ, An Xá, Cỗ Liễu, Đại Phong, Phan Xá...  là những làng có nhiều nghệ nhân và truyền thống hò khoan lâu đời.

Làn điệu dân ca Lệ Thủy, là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người, gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).

Trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi(sân) và nện móng xây dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống vững chãi, bốn bề gia thất yên ổn, quê hương gia đình ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi mình trước cảnh ''bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ.

Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình. Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc.

Thế nhưng, bẵng đi một thời gian thế hệ trẻ không có điều kiện được nghe hò khoan Lệ Thủy. Thực tế này là điều đáng lo ngại cho sự phát huy và phát triển bản sắc văn hóa vùng quê sông nước Lệ Thủy.

Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành giáo dục và đào tạo Lệ Thủy đã triển khai kế hoạch đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học gồm năm bước - năm nội dung trong một chương trình, một kế hoạch có tính dài hơi. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi, các buổi liên hoan hát hò khoan.

Hai năm trôi qua, liên hoan “Em hát dân ca” đã được tổ chức hai lần, thu hút hàng ngàn cán bộ giáo viên, học sinh và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Vào những ngày gần hội diễn, từng tốp học sinh say sưa hò ở trường, ngân nga bên gốc phượng già, có khi trên đường đi học. Mỗi tối, ông bà cha mẹ con cháu tụ họp, làm “khán giả” để con, cháu hò khoan.

Với việc thành lập website hokhoanlethuy.edu.vn, thực sự hò khoan đã vượt ra khỏi quê hương “hai lúa” đến với đông đảo khán thính giả trong và ngoài nước. Như một nhu cầu tự nhiên của văn hóa những băng đĩa nhạc hò khoan Lệ Thủy đã xuất hiện, theo nhiều người Lệ Thủy đi khắp nơi trong và ngoài nước.

Vậy đã rõ, hôm nay hò khoan Lệ Thủy không chỉ được lĩnh xướng ở sân đình, sau lũy tre làng mà nó đã đến với những sân khấu lớn, đến với internet, ra đến nước ngoài...

Trên nhiều góc độ, có thể mạnh dạn khẳng định rằng, hò khoan Lệ Thủy đã trở thành di sản văn hóa của Quảng Bình và việc làm tăng cường bảo tồn cần được chú ý, trong đó việc truyền dạy hò khoan cho thế hệ sau phải được đặc biệt chú trọng. Liên hoan “Em hát dân ca” lần thứ II do phòng GD&ĐT tổ chức là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc.

 

14_11_2013_HKLTDS_2.jpg
Các đơn vị THCS đang chạy chương trình

 

14_11_2013_HKLTDS_3.jpg
Đội văn nghệ trường THCS Dương Thủy viếng Đại tướng tại nơi Người an nghỉ

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, với sự xâm nhập của nhiều thể loại nhạc trẻ, nhạc nước ngoài đang dần làm mai một dần những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có những làn điệu dân ca. Song người viết bài viết này lại nghĩ, nếu như chúng ta có định hướng chiến lược tốt cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống thì vấn đề trên không đáng lo ngại. Cái gốc và cái chất văn hóa nó như mạch ngầm chảy trong huyết quản của mỗi người để làm nên nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, sau này các em học sinh sẽ nói với nhau rằng: Không biết hò khoan Lệ Thủy bất thành người Lệ Thủy. Mà điều này, không còn xa nữa. Chỉ mấy năm nữa thôi!

 

 

Thiên Hương

(lethuy.edu.vn)

More