ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 45

  • Hôm nay 6033

  • Tổng 10.505.552

MÓN QUÀ LỚN TỪ MỘT TÌNH YÊU LỚN

Font size : A- A A+
 Chúng tôi gọi quyển“Hò khoan Lệ Thủy” vừa mới được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản là món quà lớn bởi lẽ nó là công trình của một quá trình sưu tầm, nghiên cứu công phu nghiêm túc và khoa học. Còn nói món quà này xuất phát từ một tình yêu lớn thì chắc chúng ta cũng đã biết, tác giả Đặng Ngọc Tuân vốn không phải là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lại càng không phải là người công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Ngược lại, tác giả nguyên là giảng viên của Học viện An ninh, một ngành không có mấy sự liên quan đến văn nghệ, văn hóa.

 Vậy thì nguyên nhân nào khiến cho vị Đại tá này tìm đến với hò khoan Lệ Thủy để dày công tìm kiếm, sưu tầm, khảo cứu và cuối cùng là viết nên một cuốn sách dày 300 trang với phần khảo cứu cùng hơn 1000 bài hò lời cổ giá trị này? Xin cam đoan rằng, đó chính là trách nhiệm, là tình yêu quê hương da diết, là nỗi lòng của người con xứ Lệ xa quê hương luôn đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn, với những giá trị văn hóa vĩnh hằng của tổ tiên ta để lại. Tôi cứ có cảm giác như rằng, tác giả phải chạy đua với thời gian, với tuổi tác để sớm hoàn thành công trình quý giá này, vì sợ hò khoan Lệ Thủy sẽ mai một đi trong một tương lai gần. Công trình này chính là bằng chứng, là “bảo bối” lưu truyền những giá trị văn hóa“độc nhất vô nhị” này. Nói như GS. TSKH Tô Ngọc Thanh trong lời dẫn sách thì“Chỉ có những ai yêu da diết những giá trị văn hóa quê hương mới làm được như vậy”. Vậy thì, rõ ràng đây là một món quà lớn đối với người Lệ Thủy nói riêng, với độc giả lưu tâm nói chung. Món quà này được trao từ một tình yêu lớn với quê hương bản quán. Tình yêu ấy thường trực trong trái tim của Đại tá Đặng Ngọc Tuân - người con ưu tú của quê hương xứ Lệ.

Chúng tôi đã biết đến tác giả Đặng Ngọc Tuân trong một số ấn phẩm báo chí, mà thường xuyên nhất là trên “Tạp chí văn hóa Quảng Bình” qua một số bài như “Hò đưa linh trong hò khoan Lệ Thủy”. Chúng tôi nghĩ rằng Đặng Ngọc Tuân là một chuyên viên nào đó công tác ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hay một đơn vị văn hóa nào đó trong tỉnh. Nào ngờ, hôm nay được tiếp xúc với ông, được nghe ông nói, chúng tôi mới biết ông chính là tac giả của những bài viết công phu đó. Mới đây nhất, trong chương trình tặng chăn ấm, thực phẩm và quần áo cho đồng bào dân tộc ở huyện Minh Hóa và bà con ở các bản Cát - Mít, Trung Đoàn, Ho - Rum ở xã Kim Thủy, Lệ Thủy của Hội đồng hương và Hội sinh viên Quảng Bình tại Hà Nội, qua các đồng chí công an ở đồn Lệ Ninh, chúng tôi được biết về ông Đặng Ngọc Tuân nhiều hơn. Đến bây giờ thì hình ảnh của ông, tên tuổi của ông đã có mặt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc rồi.

Sở dĩ chúng tôi dám nói như vậy là vì khi được tiếp chuyện cùng ông, chúng tôi biết rằng, trong 2000 bản mà Nhà xuất bản Thời Đại mới ấn hành đã... không còn một quyển nào, bởi nó đã nằm trong thư viện của các trường học, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực văn hóa... trên toàn quốc. Lần này về quê, ông phải đến Nhà xuất bản xin được “nối bản” thêm 200 cuốn, và đến giờ thì cũng đã“hết veo” (từ của ông Đặng Ngọc Tuân).

Có mặt trong buổi “Giới thiệu và trao tặng sách hò khoan Lệ Thủy”, diễn ra vào sáng ngày 14/12/2013, chúng tôi cảm nhận được sự đồng điệu, giao hòa giữa tác giả và độc giả. Hiếm có một cuốn buổi giới thiệu sách nào lại thu hút sự quan tâm của công chúng đến vậy. Chính sự đồng điệu ấy đã biến buổi giới thiệu sách thành một diễn đàn về văn hóa mà ở đó, những suy nghĩ, lo lắng và cả những dự định sắp tới của hò khoan Lệ Thủy đều được đưa ra trao đổi, bàn luận một cách vô cùng nghiêm túc, xuất phát từ tâm huyết của những người trong cuộc.

Chúng tôi cứ liên tục nhìn đồng hồ, mong cho thời gian dài thêm để được nghe ông nói (và cả diễn xướng phụ họa do ông trình bày). Nhìn về hàng ghế phía dưới, tôi lo một số bạn trẻ “kiếu” về thì buồn cho ông, và cả cho chúng tôi nữa. Không. Họ không những không về mà những dòng người ở ngoài cứ kéo vào thêm lên. Điều đặc biệt là độc giả có mặt trong suốt buổi hôm đó hết sức chú ý lắng nghe và liên tục có những tràng pháo tay tay đồng tình tán thưởng. Tôi tranh thủ làm một cuộc “trắc nghiệm” nhỏ về cảm xúc của khán giả, độc giả thì thấy rằng, tất cả những người được hỏi đều công nhận và khâm phục ông, một tài năng,  với một tấm lòng luôn hướng về quê hương. Cô Trần Thị Diệu Liến, P. HT trường THSC Kiến Giang tỏ ra hết sức xúc động, nói: “Ông (Đặng Ngọc Tuân) đúng là một con người tài năng và tâm huyết. Ông ấy nói hay quá, tình cảm quá. Chúng ta phải biết ơn những con người như thế”. Có cùng suy nghĩ với cô Liến, cô Võ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Dương Thủy nhận định: “Có những người như ông Đặng Ngọc Tuân thì hò khoan Lệ Thủy chắc chắn sẽ được bảo tồn và phát triển. Tương lai của hò khoan chúng ta sẽ có những bước tiến xa hơn nữa...”.

Vâng, tương lai của hò khoan Lệ Thủy sẽ có những bước tiến xa hơn nữa, sẽ được mọi người biết đến và công nhận nó như một loại hình văn hóa phi vật thể cần được lưu giữ và bảo tồn, đồng thời được giới thiệu, quảng bá rộng rãi cả trong nước và ở nước ngoài. Vấn đề này cũng được ông Đặng Ngọc Tuân đặc biệt chú trọng xây dựng. Trước mắt, theo ông chúng ta phải làm hồ sơ đảm bảo tính thuyết phục cao trình lên cơ quan chức năng có thẩm quyền để hò khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Khi đã được công nhận ở trong nước rồi, bước tiếp theo có thể sẽ là cấp quốc tế. Nghe ông nói đến đây, ánh mắt của mọi người như rạng rỡ lên niềm hy vọng và tự hào. Nếu được như ý nguyện của ông (và của chúng ta) thì hay biết mấy, tự hào biết mấy! Điều đó, còn phụ thuộc vào thái độ và hành động của chúng ta đối với di sản của chúng ta ngay từ ngày hôm nay, ngay trong những việc làm cụ thể, thiết thực hôm nay với hò khoan - mạch nguồn văn hóa của mảnh đất “Địa linh, nhân kiệt”này.

Trở lại với buổi giới thiệu sách, chúng tôi nhận thấy việc làm ý nghĩa này được các bác các chú ở UBND huyện cũng như ở phòng Giáo dục Lệ Thủy hết sức hưởng ứng, phấn khởi. Trong bài phát biểu cám ơn của mình, thầy giáo Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn đối với ông Đặng Ngọc Tuân, đồng thời cũng khẳng định rằng, việc cho ra mắt cuốn sách “Hò khoan Lệ Thủy” là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực vực dậy và làm sống lại hò khoan Lệ Thủy trước nguy cơ mai một trong bối cảnh hiện nay.

Giờ đây, ở tất cả các thư viện trong 91 trường học trên toàn huyện  đều đã có “bảo bối” quý báu. Bảo bối này sẽ giúp ích rất lớn cho các CLB hò khoan ở các trường và cho những ai quan tâm đến hò khoan Lệ Thủy trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tác (đặt lời mới), xem như một cẩm nang về hò khoan của chúng ta vậy.

Được biết, hiện tại, ngoài trang http://hokhoanlethuy.edu.vn của phòng GD&ĐT Lệ Thủy, còn có thêm blog nữa của ông Đặng Ngọc Tuân ở địa chỉhttp://lethuyquetoi.blogspot.com và nhiều những trang cá nhân khác nhưhttp://ngoclien.jimdo.com/... Đây là những kho dữ liệu hết sức phong phú, sinh động về hò khoan Lệ Thủy, được chuyển tải bằng bài viết và đặc biệt là rất nhiều những video clip, nghe nhạc trực tuyến mp3 hay, đẹp. Xin được nói thêm đôi chút về blog “Lệ Thủy quê tôi” của ông Đặng Ngọc Tuân: Đây được ví như một “bách khoa toàn thư” về quê hương Lệ Thủy, bởi nó có đầy đủ các chuyên mục như“Danh nhân con người”“Văn hóa lối sống”“Lịch sử vùng đất”... và đương nhiên là không thể thiếu chuyên mục “Hò khoan Lệ Thủy”, giới thiệu đầy đủ hò khoan 5 mái của chúng ta đến đông đảo thính - khán giả và độc giả mọi nơi.

Trân trọng những tình cảm mà ông Đặng Ngọc Tuân dành cho quê hương. Biết ơn những việc làm thầm lặng, những nỗ lực của ông để vực dậy hò khoan Lệ Thủy, và cao hơn thế, biến nó thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia  trong nay mai. Xin chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục với những dự định tốt đẹp trong tương lai! Chúng tôi - những người con Lệ Thủy sẽ luôn ủng hộ, luôn sát cánh bên ông, cùng ông làm những việc làm có thể cho Lệ Thủy quê mình đẹp giàu trong điệu hò khoan tha thiết, ân tình!

 

Bảo Châu

 

14_12_2013_GTSHKLT_1.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_2.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_3.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_4.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_5.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_6.jpg


14_12_2013_GTSHKLT_7.jpg

More