ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 61

  • Hôm nay 12835

  • Tổng 10.471.044

Hiệu quả từ những điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy

Font size : A- A A+
 

Để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận thuận lợi với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã (xã/phường/thị trấn) thông qua hoạt động của tổ giao dịch xã.

Hệ thống điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Việc tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại điểm giao dịch xã được xem là phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện chức năng phản biện xã hội, tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên ngân hàng với người dân.

Từ những ngày đầu có mặt tại huyện Lệ Thủy, NHCSXH đã tổ chức các điểm giao dịch về tận cơ sở xã, thị trấn tạo điều kiện cho người dân nghèo được tiếp cận thuận lợi, trực tiếp với nguồn vốn vay. Kể từ đó, dù ngày nắng hay ngày mưa, nơi nào có người nghèo cần vay vốn ưu đãi để sản xuất thì ở nơi đó có dấu chân của những người cán bộ NHCSXH.

Huyện Lệ Thủy có trên 36 nghìn hộ gia đình, sinh sống ở 28 xã, thị trấn. Hàng tháng NHCSXH huyện Lệ Thủy tổ chức các buổi giao dịch tại trụ sở UBND các xã, thị trấn với 28 điểm giao dịch xã, bố trí thời gian giao dịch cụ thể cho 28 điểm giao dịch từ ngày 06 đến ngày 21 hàng tháng . Tại đây, tổ giao dịch xã có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ, họp giao ban với tổ trưởng tổ TK&VV và các tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác…

Thông qua các tổ giao dịch xã, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn, được hướng dẫn cách thức vay và cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, mỗi người cán bộ, nhân viên ngân hàng phải bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích.

Ông Nguyễn Nhật Tân - Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Ngân Thủy, cho biết, mỗi buổi đi giao dịch lưu động tại xã, Tổ giao dịch phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo mọi thủ tục, phương tiện cần thiết cho một ngày giao dịch chính xác, hiệu quả như: máy tính được cài đặt sẵn các chương trình, máy in, máy đếm tiền, máy phát điện dự phòng để phòng khi mất điện và các công cụ hỗ trợ khác.

Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, trước mỗi phiên giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ tín dụng có cuộc họp phổ biến cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn.Với các chương trình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện để phát triển kinh tế, xây nhà ở, tạo việc làm, tiếp tục học tập và đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.

Bà Mai Thị Xuân Hoàng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Ngân Thủy, cho biết: xã Ngân Thủy cách xã trung tâm huyện hơn 60km, đường đi lại cũng gập gành, khúc khủy khó khăn.Điểm giao dịch xã đã giúp bà con nhân dân không cần phải đến giao dịch tại ngân hàng, tiết kiệm được thời gian, đi lại và an toàn hơn. Việc thu nộp lãi hàng tháng cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, từ khi NHCSXH triển khai điểm giao dịch tại xã, phường đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân nghèo. Sau khi giao dịch xong, các cán bộ NHCSXH tổ chức họp với lãnh đạo UBND xã, phường, các hội, đoàn thể để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách. Thông qua hoạt động này, nhiều người dân trên địa bàn xã Ngân Thủy được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Xuân Hào, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy cho biết: NHCSXH huyện Lệ Thủy đang thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ 442 tỷ đồng. Riêng năm 2019 có 4.139 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Lệ Thủy tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cho người dân. Chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh chính sách, quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ xấu. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tin bài: Nhật Linh 

Hoạt động giao dịch tại xã

 

 

 

More