ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 69

  • Hôm nay 8472

  • Tổng 10.507.993

NHẬT KÍ BÃO XA...

Font size : A- A A+
 Vì công việc, tuần vừa rồi chúng tôi ở lại trường, gồm cả thảy tám anh em. Đầu giờ chiều Chủ nhật ngày 29/9, chúng tôi cử mấy anh em ra bản Xà Khía mua một số nhu yếu phẩm và quan trọng hơn là vào trang của phòng GD&ĐT Lệ Thủy xem công văn của ngành về việc ứng phó với diễn biến của cơn bão số 10. Chúng tôi trở lại trường thì gặp các anh bộ đội của Đồn Biên phòng làng Ho vào bàn công tác giúp bà con chống bão.

 Khoảng 14 giờ, một số anh em ở dưới xuôi, theo kế hoạch lên trường kèm theo những thông tin mới nhất về tình hình dưới xuôi. Ngay lập tức, Ban phòng chống lụt bão của trường đã lên kế hoạch “tác chiến”, huy động nguồn lực hiện có vào công tác ứng phó. Cửa sổ của các phòng học, phòng chức năng được néo chặt, các ô của thông gió cũng được khóa cẩn trọng, cửa ra vào thì được ốp nẹp rất chắc chắn và an toàn.

Đêm ấy, mấy anh em nằm chung giường hướng về chiếc radio dõi theo “Tin báo khẩn cấp cơn bão số 10” của Đài tiếng nói Việt Nam. Tâm trạng nhất, lo nghĩ nhiều nhất có lẽ là các thầy cô đã có gia đình riêng như thầy Nguyễn Văn Thuyết, thầy Lê Văn Phước... Không biết ở nhà, mẹ già con thơ cùng vợ đã thu xếp được nơi ở an toàn chưa? Tình hình gió bão, mưa sa thế này, liệu có điều gì bất trắc chăng? Chúng tôi nằm bên nhau mà tâm trí mỗi người mỗi ngả. Chiếc điện thoại của người nằm bên cạnh phát lời bài hát “Đời sinh viên” với những câu “Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên, miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ...” như thắt vào tâm can những lo toan dai dẳng đến nao lòng!

Chúng tôi dậy từ rất sớm bởi tiếng thét gào của gió mưa và bởi đã có tiếng người kêu gọi nhau í ới, tiếng chó sủa văng vẳng vọng lại từ các bản làng. Tình hình mưa bão càng lúc càng nguy cấp. Các cánh cửa lại được chằng thêm dây néo, sách vở của học trò được tập kết về nơi an toàn... Thầy giáo Trần Văn Thăng chạy nhanh ra bản Mít, nơi có điểm lẻ của trường xem tình hình và tìm cách liên lạc về cho thầy Nguyễn Văn Vững, P. Trưởng phòng giáo dục thông báo tình hình và tranh thủ sự chỉ đạo. Lực lượng của Đồn Biên phòng cũng đã đổ về cắm ở các bản lân cận giúp dân sơ tán đến chỗ ở an toàn. Các phòng học kiên cố sẽ là nơi ở tránh bão cho bà con. Trước đó, dưới sự chỉ đạo của các anh bộ đội Biên phòng, bí thư, trưởng các bản cũng đã triển khai gấp cuộc họp dân để thông báo tình hình cụ thể. Khoảng 9 giờ ngày 30/9, tất cả phụ nữ, trẻ em và người già ở các bản đã tập trung về các phòng học đã được dọn sẵn. Tiếp đó là lực lượng thanh niên trai tráng với quần áo, chăn màn... cũng tập kết và sẵn sàng cùng với nhà trường chống bão.

Trong gió mưa, chúng tôi tìm cách liên lạc về gia đình. Thật may, ở dưới xuôi, công tác phòng chống cũng đã được triển khai rất tốt. Vậy là yên tâm rồi. Chúng tôi lại điện thoại về thông báo tình hình cho thầy giáo Trưởng phòng. Thầy dặn dò chúng tôi kĩ càng từng khâu một và bảo mở cửa các phòng học để cho bà con vào trú ẩn, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất đáng tiếc nào.

Chúng tôi trở về trường. Lúc này gió đã to, mưa đã dày nặng hạt. Chiếc radio vẫn liên tục phát đi những thông tin mới nhất về tình hình diễn biến của cơn bão được đánh giá là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Và nghiêm trọng hơn, nó sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị.

Bà con đã ổn định trong hai phòng học được bố trí ở tầng 1 rất an toàn.

Đến 14 giờ, theo bản tin dự báo thời tiết, cơn bão đã đổ bộ vào đất liền. Thành phố Đồng Hới có gió giật mạnh cấp 10, 11; Quảng Trị cấp 8 cấp 9... Chúng tôi bắt đầu lo lắng, đứng ngồi không yên. Cũng theo như Đài đưa tin, toàn bộ huyện Lệ Thủy đã cắt điện lưới để đảm bảo an toàn, rồi ở ba xã Ngư Thủy Bắc, Nam, Trung đều đã có những thiệt hại ban đầu... Chúng tôi tìm cách liên lạc về xuôi nhưng giờ đây, việc làm đó hầu như là không thể. Thường thì chúng tôi chỉ đi trong vòng mấy trăm mét để dò sóng, nhưng tình hình mưa bão, sóng yếu phải đi vài cây số mới có. Đến bây giờ, muốn gọi thì phải chạy ra Xà Khía, mà ra đó chắc gì đã gọi được. Rồi mưa to gió lớn, đường cây gãy đổ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất... Vậy là thông tin gần như bị tê liệt. Chiếc radio lại liên tục bị chèn, mất tín hiệu, nghe tiếng được tiếng không. Thật là khó khăn, gian khổ đến trăm bề!

Mười sáu giờ, thông tin từ các anh bộ đội Biên phòng và từ Đài tiếng nói Việt Nam, cơn bão đã chính thức đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị, trong đó, thành phố Đồng Hới là vùng tâm bão đi qua. Trên này, gió cũng đã giật mạnh, chừng cấp 5 cấp 6. Bà con nhiều người chạy ngược chạy xuôi lo lắng. Chúng tôi cũng không thể ngồi yên.

Trời bắt đầu tối. Ăn vội bát cơm “phòng chống bão”, chúng tôi lên xem tình hình bà con ăn uống thế nào. Tội nghiệp, đa số bà con chẳng có gì ăn ngoài cơm trắng với “boi tiêu” (muối ớt). Từ các cháu trẻ sơ sinh cho đến bà già 80 tuổi, ai cũng thế cả (mà chúng tôi cũng chẳng có gì hơn là mấy, chỉ đậu lạc rang muối)mà thôi. Nhưng trong cái khổ có cái vui. Bà con cũng rất lạc quan tin tưởng. Bà Hồ Thị Uôi, 78 tuổi ở bản Trung Đoàn cảm kích: “Cám ơn các chú bộ đội, cám ơn thầy cô đã lo lắng cho bà con, cho bà con chỗ ở không có mưa gió. Mong cho mau hết mưa hết gió để bà con trở về nhà thôi”. Anh Hồ Bạch, Bí thư chi bộ bản làng Ho cho biết: “Các gia đình đều đưa người già, trẻ em tới đây rồi, Mỗi nhà chỉ ở lại một người đàn ông để lo liệu thôi. Bộ đội và nhà trường rất chu đáo cho bà con đó...”. Trẻ em thì nơi nào cũng là trẻ em cả, tuy nhiên nhìn bọn trẻ nô đùa tung tăng mà tôi lại thấy thương và vui vui. Chắc chắn chúng nó đang rất sung sướng vì “sự cố” này. Chúng không hiểu mưa bão gì hết, chỉ biết đi theo cha mẹ và được gặp bàn bè trong ngay cùng một phòng học. Nơi mà ngày thường chúng phải ngồi lễ phép, ngay ngắn để nghe thầy cô giáo giảng những bài học khó thì giờ đây đã như là nhà của chúng vậy. Chúng mặc sức chạy nhảy, nô đùa, thậm chí là nằm ngủ ở chỗ của gia đình mình...

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thảo, Đội trưởng đội Trinh sát của Đồn Biên phòng làng Ho cho biết: hiện tại, tất cả bà con ở các bản làng đều đã có chỗ trú ẩn an toàn. Lực lượng quân đội cũng đã hỗ trợ tích cực cho bà con trong việc neo chống nhà cửa, che đậy lương thực thực phẩm của các gia đình một cách an toàn.

Đêm, tiếng gió ngoài kia nghe chừng đã giảm, tiếng mưa trên mái tôn nội trú có phần nhẹ hơn. Chúng tôi biết rằng cơn bão đã đi qua. Bao nhiêu con người ở lại trong khu nội trú của nhà trường là bấy nhiêu tâm trạng không giống nhau, nhưng có lẽ tất cả đều có chung sự lo âu về gia đình mình ở dưới xuôi. Không biết giờ này ở dưới ấy bão đã tan chưa? Gia đình mình liệu có bị bão tàn phá đi những gì? Bố mẹ, vợ con, anh em có đặng bình an vô sự?... Ôi! Ruột gan nóng như có lửa đốt trong lòng! Lo lắng thay!

Chúng tôi choàng tỉnh dậy bởi tiếng thơ ai đọc rất gần, nghe những câu:

“Những ngày mẹ về quê

Là những ngày bão nổi

Con đường mẹ đi về

Cơn mưa dài chặn lối

...

Thế rồi cơn bão qua

Mẹ về như nắng mới

Sáng ấm cả gian nhà”

Thế là cuối cùng, Thủy Tinh lại một lần nữa không thể chiến thắng Sơn Tinh để giành lại Mị Nương! Thật đúng như câu phương ngôn: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Nắng mới chiếu về, rải một thứ ánh sáng ấm áp xuống bản làng. Chúng tôi lên chỗ phòng học có bà con trú ẩn, họ đã kéo nhau về gần hết, chỉ còn những em nhỏ hãy còn ngái ngủ uốn éo vặn với tiếng gọi mẹ lí nhí. Thật là một đêm đáng nhớ ở bản làng Ho cách mạng.

Ăn vội bát mì tôm với lá lốt (chúng tôi thường chế ra những phụ gia ăn kèm với mì tôm cho đỡ ngán), chúng tôi chạy ra Xà Khía để liên lạc về cho gia đình, bạn bè. Thật may, tất cả các gia đình đều không có thiệt hại gì lớn, chỉ gãy đổ cây cối trong vườn và vỡ tấm lợp, ngói...

Giờ đây, chúng tôi mới thấy cái thiệt thòi của những giáo viên công tác nơi vùng sâu vùng xa. Mưa bão tới không thể phụ giúp gia đình đã đành, mưa bão đi qua cũng không thể phụ giúp gì cho gia đình, cho vợ con lấy một... tiếng đồng hồ! Chỉ nghe “tường thuật” qua điện thoại thôi. Thà rằng không nghe, không biết, đằng này nghe và biết trong điều kiện như thế này, chỉ làm cho chúng tôi lo lắng thêm. Chúng tôi trở  lại trường trong tâm trạng lo âu nặng nề. Trường lớp đã không việc gì rồi. Trời nắng đẹp, chim về rồi. Bà con đã an toàn trong ngôi nhà quen thuộc của mình rồi. Chỉ còn chúng tôi, chúng tôi phải làm sao đây?

Thật may, ý tưởng của chúng tôi lại được Ban gám hiệu và anh em “duyệt”ngay. Đó là việc tạo điều kiện cho 3 giáo viên đã có gia đình riêng với “mẹ già, vợ dại, con thơ” mà trong gia đình có bị ảnh hưởng do bão được phép về nhà khắc phục hậu quả trong vòng một ngày rưỡi. Anh em ở lại cố gắng dạy thay và làm mọi công việc ở trường. Thế mới biết sống và làm việc ở những nơi đặc biệt khó khăn như nơi này, tình người, tình đồng chí, tình anh em cao cả nhường nào!

Sáng ngày mồng 3 tháng 10, trời làng Ho nắng vàng rải thảm. Tuân thủ theo công văn của Sở, theo sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng GD&ĐT Lệ Thủy và theo tình hình thực tế tại địa phương, học sinh khắp từ các bản Cát, Mít, Trung Đoàn, Rum, Ho lại nô nức đến trường đón nhận con chữ Bác Hồ kính yêu. Tiếng trống trường rộn rã, tiếng nói cười râm ran, xen lẫn trong những câu chuyện hỏi han của các em học sinh sau mấy ngày không gặp mặt..., tất cả đã tạo ra một không khí thật vui tươi, ấm áp như chưa hề có một cơn bão nào đi qua đây, cũng như chưa hề có một sự chia cắt, phân biệt nào giữa miền xuôi và miền ngược, bởi tất cả đều có chung nguồn gốc trong hai tiếng “Đồng Bào”.

 

Bảo Châu (lethuy.edu.vn)

 

05_10_2013_BX_1.gif


05_10_2013_BX_2.gif


05_10_2013_BX_3.gif

More