ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 60

  • Hôm nay 7325

  • Tổng 10.506.846

VÌ BÁC LÀ VÕ NGUYÊN GIÁP!

Font size : A- A A+
 Từ sáng sớm nay 12/10, dòng người ở khắp nơi đổ dồn về thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương, vị tướng của nhân dân, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi không thể nào kìm nén xúc động khi chứng kiến từng dãy các em học sinh, đoàn viên thanh niên xếp hàng dài ở hai bên cầu Xuân Phong và dọc đường về nhà lưu niệm với chân dung của Đại tướng trong tay! Nước mắt cứ tự nhiên tuôn trào, y như mình vừa mất đi một người thân trong gia đình!

 VNG_1_14_10_2013.gif

VNG_2_14_10_2013.gif

Bờ tre, con đường làng thân quen ngày nào từng mừng vui đón Đại tướng về thăm quê, giờ đây buồn thương đứng chịu tang! Nhìn lá cờ Tổ quốc không còn tung bay phấp phới trong gió mùa thu bởi sự ra đi của người anh hùng dân tộc, vị Đại tướng của lòng dân Võ Nguyên Giáp đã không còn nữa! Đớn đau này thật là vô hạn! Mất mát này thật là lớn lao!

Đã có hàng ngàn đoàn đến từ các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh cùng hàng ngàn người dân ở khắc nơi cũng đổ về đây, trong một sáng mùa thu đầy mất mát và nước mắt. Cả biển người không ai bảo ai, trầm ngâm cúi mình vào viếng Đại tướng với tấm lòng biết ơn và kính trọng chân thành! Trong biển người đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những trường hợp cực kì xúc động mà chúng tôi may mắn ghi lại được. Đó là chuyện của một cựu chiến binh, thương binh ở tỉnh Quảng Ninh lặn lội một mình vào, rồi cụ bà 92 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế cũng đã kịp ra thắp nén nhang tiễn biệt Đại tướng...

Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Phi Thường, quê ở tỉnh Quảng Ninh, năm nay 63 tuổi với đôi nạng gỗ, nhích từng bước trong dòng người vào viếng Đại tướng. Ông kể: “Khi hay tin Đại tướng đi về cõi vĩnh hằng, bỏ tất cả những công việc ở nhà, tôi vội vàng ra Hà Nội đến số nhà 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng từ mấy ngày trước. Bắt xe cả đêm hôm qua, sáng nay tôi vào đây với ước nguyện được một lần về tận quê hương của vị Tổng Tư lệnh của mình. Tôi thật sự xúc động trước sự ra đi của vị cha già, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam! Đây là mất mát quá lớn của nhân dân ta!...”.

VNG_3_14_10_2013.gif

Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn  Phi Thường còn cho biết thêm, ông có may mắn được nhiều lần gặp Đại tướng. Vừa nói, ông vừa mở trong chiếc ba lô đã bạc màu của mình lấy ra rất nhiều tấm hình mà ông được chụp chung với Đại tướng! Ông nói: “Trong chiếc ba lô này chỉ có ảnh và một bộ đại lễ mà tôi mang theo. Ảnh thì các anh cứ xem, còn bộ đại lễ này, ngày mai tôi về Đồng Hới rồi sẽ mang để đón linh cữu của Đại tướng về quê mẹ an cõi vĩnh hằng”. Những giọt nước mắt của người cựu binh dạn dày sương gió chiến trường này làm cho chúng tôi cảm thấy xúc động và nể phục vì tình nghĩa “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Tiếng loa phát thanh của ban tổ chức thông báo, đã đến lượt vào viếng của Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy Trung. Tạm chia tay với ông Nguyễn Phi Thường, chúng tôi tìm gặp các o trong Đại đội anh hùng năm nào. O Trần Thị Thản, quê ở Ngư Thủy Nam năm may 66 tuổi, nguyên Chính trị viên Đại đội kể trong nước mắt:“Chúng tôi được nhiều lần gặp bác Giáp, nhưng lần để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là vào ngày 27/4/1969, tôi có mặt trong đoàn Quân khu IV ra thăm. Đại tướng dặn dò chúng tôi nhiều và hỏi han tình hình chiến đấu, sản xuất của quê hương mình. Đại tướng dặn thêm, phải giữ truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ vùng biển quê hương và quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”.

VNG_4_14_10_2013.gif
VNG_5_14_10_2013.gif

Ngồi một mình ngoài gốc cây khế trong vườn nhà Đại tướng, o Ngô Thị The, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Nữ pháo binh Ngư Thủy Trung nghẹn ngào: Tôi có 3 lần được gặp Đại tướng. Lần thứ nhất vào tháng 6/1969 trong đoàn ra dự Đại hội Binh chủng Pháo binh, lần thứ hai là vào tháng 12/1969, bác và phu nhân vào thăm đơn vị và lần thứ ba là năm 1998, đơn vị ra thăm bác ở ngoài Hà Nội. Trong ba lần may mắn và hạnh phúc ấy, o The nhớ nhất là trong Đại hội Binh chủng Pháo binh tháng 6/1969, Đại tướng dặn dò: Các cháu phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, nắm chắc kĩ thuật quân sự, không ngừng củng cố, xây dựng đơn vị vững mạnh để chiến đấu, đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.

Xúc động và tình cảm nhất trong buổi sáng hôm nay có thể là hình ảnh của gia đình cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ, sinh năm 1922 ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cháu nội của Hoàng tử Miên Lâm, Hoàng tử thứ 57 của vua Minh Mạng. Năm nay đã 92 tuổi nhưng trông cụ vẫn còn khá mạnh và rất minh mẫn. Người con trai thứ hai của cụ, anh Bùi Quang Thiện và người cháu rể người có quốc tịch Pháp nhưng sinh sống tại Tây Ban Nha tên là G. Arcia Jean lục tìm những bài báo viết về cụ mẹ và bà của mình. Chúng tôi thấy trên rất nhiều mặt báo, có hàng tít: “Tấm lòng của bà Công Tôn Nữ Thị Huệ đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Trân Phương Trà. Trong đó ghi: “Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng con trai là Bùi Quang Thiện ra Hà Nội. Bà gặp Ban Liên lạc đồng hương Thừa Thiên – Huế tại Hà Nội cho biết, bà đã may một “trái dựa” - một loại gối có nhiều nếp có thể gấp lại mở ra tùy ý để gối đầu hoặc tì cánh tay - hy vọng được tạo điều kiện thăm Đại tướng Võ Nguyễn Giáp để tặng món quà ấy. Thiếu tướng Trần Minh Đức, Trưởng ban Liên lạc đồng hương Thừa Thiên - Huế đã liên lạc với đồng chí Huyên, Thư kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người thư kí cho biết, Đại tướng sẵn sàng tiếp cụ”.

VNG_6_14_10_2013.gif

Anh G. Arcia Jean nói bằng tiếng Việt rất rõ ràng, rằng mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ (bà Công Tôn Nữ Thị Huệ) một mực quyết tâm phải ra tận quê hương Đại tướng để tự tay mình thắp nén nhang thơm tiễn biệt Người! Anh cho biết thêm, anh sẽ đưa cụ về Đồng Hới, mặc dù người có đông đến mức nào, dù nhìn thấy linh cữu từ xa hàng cây số cũng được, miễn là có mặt để cụ vui lòng!

Anh G. Arcia Jean thấy tôi cầm trong tay bức chân dung Đại tướng, anh có ý muốn xin làm kỉ niệm. Tôi trân trọng trao cho anh tấm di ảnh của Đại tướng. Anh Jean cẩn thận, nâng niu bức chân dung và nói: “Tôi sẽ giữ mãi tấm hình này làm kỉ niệm. Tôi và nhân dân tôi vẫn luôn dõi theo tình hình sức khỏe của Đại tướng. Thật buồn khi vị tướng huyền thoại đã không còn nữa, nhưng tôi nghĩ rằng, Đại tướng sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè thế giới!”.

Gần 11 giờ trưa, dòng người vẫn chưa ngừng đổ về kính viếng Đại tướng.

VNG_7_14_10_2013.gif
VNG_8_14_10_2013.gif
VNG_9_14_10_2013.gif

Con đường lát đá liếp dẫn lối ra cây khế mà mỗi lần về quê, Đại tướng thường mắc võng nằm đọc sách như đang đổ nước mắt tiếc thương. Cây khế vẫn đung đưa quả ngọt như chào như đón hình bóng ai trở về! Bà con trong làng vẫn làm những món ăn mà Đại tướng ưu thích để dâng lên Đại tướng! Cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện nhà vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin dữ, như chưa thể tin sự ra đi đó là sự thật! Không! Đại tướng vẫn còn mãi với quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình! Rồi đây, bên cạnh bàn thờ Bác Hồ, mỗi gia đình của người dân Lệ Thủy cũng sẽ có thêm bàn thờ Bác Giáp, vì một lẽ thường tình: Bác Giáp là Anh Văn - người học trò xuất sắc và gần gũi nhất với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và bởi vì, Bác là Võ Nguyên Giáp -  vị Đại tướng trong lòng dân!

Bảo Châu


More