ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 63

  • Hôm nay 10406

  • Tổng 10.509.929

TINH THẦN QUỐC KHÁNH 2/9 VÀ ÁNH SÁNG CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI

Font size : A- A A+
 Sáu mươi tám năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”. Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta đã trải qua muôn vàn khó khăn trong việc giữ gìn độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Nhưng với tinh thần dân tộc, với quyết tâm của toàn dân, chúng ta đã vượt qua mọi thử thách và trở ngại để bảo vệ cho được nền độc lập nước nhà.

 BH_18_8_2013.jpg

Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập

 

Bản tuyên ngôn độc lập ấy có thể sánh với những áng “thiên cổ hùng văn” mà ông cha ta đã để lại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả ngàn năm tồn tại trong mối quan hệ với phương Bắc như bài thơ “Nam quốc sơn hà” gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ văn” thời Trần Hưng Đạo thống lĩnh toàn dân ba lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, hay “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi tuyên cáo về chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh đô hộ dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi...

Bản Tuyên ngôn đã đặt hòn đá tảng đầu tiên xây dựng một Nhà nước kiểu mới. Nhờ đó, Chính phủ lâm thời do cuộc cách mạng của Đảng, lòng dân lập lên, có được địa vị hợp pháp và Việt Nam có vinh dự là một trong rất ít quốc gia, sau cách mạng, có được một bản Tuyên ngôn nổi tiếng về quyền của các dân tộc, có giá trị đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý tiến bộ của loài người.

Mở đầu bản tuyên ngôn, Bác viết : “ Hỡi đồng bào cả nước...”, kết thúc : “ Chúng tôi...trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng”. Rõ ràng, Bác viết không chỉ cho mọi người dân của Việt Nam mà còn gửi đến cho toàn thể nhân loại. Vì sao vậy? Một nước bị nô lệ hơn 80 năm, nhân dân bị áp bức bóc lột cũng bằng ấy thời gian, nay giành được độc lập, Bác công bố cho hết thảy mọi người trên thế giới biết để khẳng định chủ quyền và thể hiện niềm tự hào dân tộc là điều đương nhiên. Nhưng cần nhớ rằng, Hồ Chí Minh đã thấy được tình hình và tiên dự được diễn biến lịch sử nước ta sau năm 1945. Khi Bác đọc bản Tuyên ngôn thì ở miền Nam thực dân Pháp nấp sau quân đội Anh đang tiến vào Đông Dương. Còn ở Miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch đang chực chờ sẵn ở biên giới Việt Trung để tràn vào nước ta. Tất nhiên, bọn thực dân, kẻ cướp bao giờ cũng đưa ra những luận điểm trái ngược với chân lý và lương tâm của nhân loại. Thực dân Pháp cướp bóc, đốt phá nước ta gần một thế kỷ nhưng chúng rêu rao với nhân loại rằng mình có công “khai hóa” nên Pháp thay Nhật là điều đương nhiên. Quân đội Tưởng thì lấy cớ vào Việt Nam để giải giáp vũ khí của phát xít Nhật. Như vậy, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tuyên bố độc lập mà còn là áng văn chương chính luận nhằm bác bỏ lý lẻ của bọn xâm lược trước công luận thế giới.

Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập dân tộc ta bằng chính lời lẽ của tổ tiên người Pháp và người Mĩ đã ghi trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, Tuyên ngôn độc lập từng làm vẻ vang cho hai dân tộc ấy. Trong tranh luận, để bác bỏ luận điểm của đối thủ, không có gì thú vị hơn là dùng ngay lý lẽ của đối thủ ấy. Cách lập luận này thú vị còn ở chỗ, Hồ Chí Minh vừa tỏ ra rất trân trọng di sản văn hoá của người Pháp, người Mĩ nhưng cũng yêu cầu họ phải biết thực hiện điều mà tổ tiên của họ đã đấu tranh bất chấp hy sinh để giành được những điều nguyện linh thiêng ấy và đừng bao giờ làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của hai cuộc cách mạng vĩ đại mà dân tộc Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kì đã thực hiện.

Tuy nhiên, khi đưa ra thế giới, vấn đề dân tộc là vấn đề quan trọng hàng đầu nên Bác đã lập luận: “ Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới, sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” . Với tư cách là một công dân chân chính của thế giới, là công dân yêu nước của một dân tộc bị áp bức bóc lột, Hồ Chí Minh đã “ phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền quyết định lấy vận mệnh của mình” ( Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới- NXB Sự thật). Như vậy, Bác đã hoàn toàn đứng về lẽ phải, đứng về phía của những dân tộc bị áp bức, bóc lột. Tính quốc tế của Tuyên ngôn độc lập chính là ở chỗ này.

Sự thật, Pháp đã thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, chia rẽ đất nước ta, đàn áp đẫm máu mọi cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, thi hành chính sách ngu dân, đầu độc thanh nhiên bằng rượu cồn và thuốc phiện, bóc lột vơ vét đến tận xương tuỷ, kết quả “ Từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Sự thật, “ trong 5 năm chúng bán nước ta hai lần cho Nhật” Thế thì, cái chúng gọi là “ khai hóa”, “ bảo hộ” ở đâu? ?? Chứng cớ lịch sử rành rành là điều thực dân Pháp không thể chối cãi được. Bản tuyên ngôn nói rõ: “ Sự thật, là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà . Sự thật là nước ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. Luận điểm này cực kỳ quan trọng để cho thế giới biết được âm mưu xâm lược lại nước ta của thực dân Pháp. Chính vì thế Bác viết tiếp: “ Bởi thế cho nên, chúng tôi lâm thời nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về đất nướcViệt Nam. Xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” . Hồ Chí Minh lặp đi lặp lại hai chữ “ Sự thật” : Sự thật là... sự thật là.. và cuối cùng là : “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”... Đấy là những điệp khúc nối tiếp nhau có âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn. Bao giờ cũng thế, mọi lý lẻ nào cũng đứng thấp hơn sự thật. Sự thật có tính thuyết phục cao nhất. Bản tuyên ngôn khẳng định sự thật thực dân Pháp phản bội đồng minh, hai lần bán rẻ Đông Dương cho Nhật và chúng ta giành chủ quyền từ tay Nhật. Thực dân Pháp đã đi ngược lại những cam kết của phe Đồng Minh một cách tàn bạo và phản động: “ Thẳng tay khủng bố Việt Minh, thậm chí khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết một số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Ngược lại, Việt Minh còn “ cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam của Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản của họ”.

Một dân tộc đã phải chịu bao đau khổ vì bị áp bức bóc lột trong hơn 80 năm và đã đấu tranh để giành lấy quyền độc lập tự do. Một dân tộc đã đứng về phe Đồng Minh chống phát xít, đã nêu cao tinh thần nhân nghĩa, bác ái dân tộc ấy phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập...

Hồ Chí Minh đã tuyên bố tự do độc lập của nước Việt không phải chỉ bằng một bài văn suông mà bằng một sự thật vĩ đại “ Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập” Hơn nữa Người còn khẳng định “ Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

68 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên một Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển như hôm nay. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 mãi mãi trường tồn. Bởi giá trị lịch sử từ cuộc cách mạng ấy vẫn chói sáng tận hôm nay. Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi một chúng ta tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, phồn vinh, hiện đại; góp phần cùng cả nước giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

 

Tháng 8 năm 2013

Ngô Mậu Tình

More