ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 72

  • Hôm nay 6682

  • Tổng 10.506.203

VỀ LỆ THỦY NGHE HÒ KHOAN

Font size : A- A A+
 Cùng với sự đi lên của nền kinh tế xã hội, sự vươn dậy, thăng hoa của chất lượng giáo dục, trong mấy năm qua việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc được huyện nhà chú trọng. Các câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy đã đi vào trường học và hoạt động có nhiều hiệu quả. Ở hầu hết các tên đất, tên làng Lệ Thủy từ vừng núi cao xa xôi đến các vùng biển bãi ngang đều ngân lên những làn điệu hò khoan xứ Lệ. Đó là hương đất tình đời, là kết quả lưu giữ phát triển làn điệu hò khoan cho thế hệ trẻ của GD&ĐT Lệ Thủy dưới sự chỉ đạo của thường vụ Huyện ủy, của UBND huyện.

 * Ơi câu hò ngân lên…nghe thấm đượm tình quê:

Xin mượn lời của cố nhạc sĩ Trần Hoàn để nói về sự ảnh hưởng, tác động của hò khoan Lệ Thủy với con người xứ Lệ. Cũng như những làn điệu dân ca khác, hò khoan Lệ Thủy ra đời và hình thành trên cơ sở lao động: hò nhân nghĩa, hò lỉa trâu, hò kéo gỗ, hò nhân ngãi giao duyên, hò giã gạo, hò  mừng xuân đến, thậm chí khi tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng, điệu hò mái nện, mái nhì, đưa linh cũng được ngân lên.

Hò khoan Lệ Thủy xuất hiện trong tất cả các lễ hội, có mặt hầu hết trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày của người Lệ Thủy. Nên nghe hò khoan Lệ Thủy là người nghe đến với tình đất, tình người, tình đời người dân xứ Lệ.

Sinh thời, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về quê, Người đều được người dân Lệ Thủy vui mừng chào đón bằng những làn điệu dân ca quê hương. Người vui mừng, bắt nhịp với mọi người bên mái nhà đơn sơ giản dị, thỉnh thoảng Bác “xố” và hò theo các nghệ nhân. Thời gian đã qua, nhưng những hình ảnh tuyệt đẹp của Đại tướng nhân dân với hò khoan xứ Lệ vẫn neo đậu mãi với quê hương.

Như một quy luật, hò khoan Lệ Thủy đã, đang và tiếp tục là một mạch nguồn văn hóa có giá trị vĩnh hằng của người dân Lệ Thủy. Cùng với dòng Kiến Giang thơ mộng, cùng với núi Đầu Mâu hùng vĩ, phá Hạc Hải rộng dài, hò khoan xứ Lệ là tình cảm, tâm tư, là phần hồn tạo nên cốt cách của con người nơi đây: Lệ Thủy, Kiến Giang mênh mang sông nước/Đồng xanh lúa mượt thẳng cánh cò bay/Quê hương tình nặng nghĩa dày/ Lắng trong câu hát đong đầy yêu thương.

* Rộn ràng khúc hát dân ca:

Nhằm phát huy, khơi dậy và phát triển làn điệu hò khoan xứ Lệ nhằm đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân, dưới sự chỉ đạo của thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, ngành Giáo dục đã có những hướng dẫn cụ thể, gồm năm (5) bước cho 03 cấp học về việc đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học.

Cho đến hiện nay, các nhà trường đóng trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy và đi vào hoạt động có quy cũ nề nếp. Các lớp học đều có ít nhất một tiết mục hò khoan Lệ Thủy để tham gia hội diễn cấp trường hoặc tham gia biểu diễn vào buổi chào cờ các ngày thứ 2 hàng tuần. Cứ như thế, hò khoan Lệ Thủy đi vào thế hệ trẻ một cách tự nhiên. Tôi phỏng đoán rằng,các thế hệ  sau này sẽ nói rằng: không hò khoan Lệ Thủy được, bất thành người Lệ Thủy. Đó là cái nhìn biện chứng nếu chúng ta đặt vào mối quan hệ giữa yếu tố văn hóa với sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.

Đặc biệt, với việc khai trương chuyên mục “ Hò khoan Lệ Thủy” với tên miền hokhoanlethuy.edu.vn ngành giáo dục và đào tạo Lệ Thủy đã thổi một luồng gió mới trong công tác giữ gìn và phát triển làn điệu hò khoan xứ Lệ. Các tiết mục “gạo cội” của các nghệ nhân lão làng, các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, các tiết mục đạt giải, hay ở những đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện được đăng tải là những tài liệu quý, hiếm, hữu ích cho những ai chưa biết về hò khoan Lệ Thủy. Ngoài ra, chuyên mục này còn có mục bình luận, lời mới, lời cổ… tạo cho bạn đọc có một cái nhìn đa chiều về vẻ đẹp của con người và làn điệu hò khoan.

Phần thưởng xứng đáng nhất cho giáo dục Lệ Thủy trong năm học 2012-2013 tại Liên hoan “ Em hát dân ca” do Sở giáo dục và Đào tạo tổ chức, các tiết mục của Lệ Thủy đạt giải Nhất và được sự ủng hộ, hưởng cao của đông đảo người xem.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học này, ngành giáo dục Lệ Thủy quyết tâm củng cố, phát huy tốt nhất những gì mình đã làm được. Năm nay, chào mừng ngày 20-11 Liên hoan“ Em hát dân ca” bậc học THCS- mà tốt lõi là hát hò khoan sẽ được tổ chức hoành tráng vào ngày 16 tháng 11 năm 2013 thu hút tất cả các đơn vị trong ngành tham gia.

Chưa đến hội thi song toàn ngành đã dấy lên một phong trào hướng về hò khoan Lệ Thủy một cách mạnh mẽ. Sau mỗi buổi học, ngày nghỉ người ta lại nghe các làn điệu hò khoan của các em học sinh trên khắp địa bàn huyện. Những câu hò, câu xố lại vang lên như tiếng mõ cứ mỗi độ Tết độc lập về trên mảnh đất thân thương  này.

Mà hình như tôi thấy, người dân Lệ Thủy đã tạm quên đi cơn bão vừa mới hoành hành, tàn phá mảnh đất nhỏ hẹp này. Đẹp thật, tiếng đàn Nhị, đàn bầu, đàn nguyệt cùng những câu hò của các em học sinh làm cho mọi người bồn chồn trong dạ, ngẩn ngơ dặn nhau rằng: Về Lệ Thủy nghe hò khoan.

 

Ngô Mậu Tình

(hokhoanlethuy.edu.vn)


 

07_11_2013_THCSCam_1.jpg
Một buổi tập em hát dân ca học sinh THCS Cam Thủy

More