ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 51

  • Hôm nay 6859

  • Tổng 10.506.380

THĂM NHÀ THẦY VÕ NGUYÊN GIÁP

Font size : A- A A+
 Non sông đất nước ta vừa trải qua một cơn đau đớn quặn thắt vì vừa mất đi một người con hết mực ưu tú. Quân đội ta vừa mất đi một vị Tổng tư lệnh xếp vào hàng bậc nhất nhì thế giới về thiên tài quân sự, người Anh Cả đáng khâm phục về nể trọng. Nhân dân ta vừa mất đi một Anh Văn rất mực hiền từ yêu mến! Và, ngành giáo dục của chúng ta vừa mất đi một người thầy, đúng hơn là một Giáo sư Sử học mang tên Võ Nguyên Giáp! Vết thương lòng sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai bởi mất mát này sẽ chẳng thể có gì bù đắp lại được.

 Chúng tôi lại tìm về ngôi nhà thân thương nằm nép mình bên dòng Kiến Giang hiền hòa thơ mộng, nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng một tâm hồn, một nhân cách vĩ đại, vị Đại tướng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, người thầy giáo mẫu mực Võ Nguyên Giáp.

Vẫn nếp nhà xưa, vẫn chừng ấy bậc thềm, chừng ấy những liếp đá vẹt mòn rải dưới lối chân đi sao giờ đây thấy như thiếu vắng cái gì đó vĩ đại và thiêng liêng lắm! Vậy là từ nay, ngôi nhà này không còn được đón Người về thăm bằng xương bằng thịt nữa rồi. Cánh võng móc bên cây khế cổ thụ sẽ còn mãi hững hờ chờ đón Người. Những tảng đá liếp quanh hiên nhà sẽ chẳng còn cơ hội để thực hiện cái sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình: nâng niu những bước chân thân quen của người chủ căn nhà này. Sẽ chẳng còn giọng nói sang sảng pha chút đùa vui hóm hỉnh quê mùa vang lên trong bốn vách nhà gỗ đơn sơ mộc mạc... Tất cả giờ chỉ còn là hoài niệm. Những câu chuyện về Người trong bỗng chốc lại hóa thành cổ tích viết lên được giữa đời thực. Một cuộc đời thực đến độ viên mãn tựa trong giấc mơ!

Trước 18 giờ 09 phút ngày 04/10/2013, “tôi và chúng ta” đã có nhiều lần ghé thăm ngôi nhà trên quê hương An Xá này, nhưng cảm giác của những lần đó hoàn toàn khác với bây giờ. Du khách có thể cười nói, được người trông giữ ngôi nhà là bác Võ Đại Hàm kể chuyện về Đại tướng, về ngôi nhà, về những lần Đại tướng về thăm nhà, thăm quê... Sau mỗi chuyến thăm như thế, chắc hẳn tâm trạng ai cũng thấy vui, thấy tự hào về quê hương xứ sở, về mảnh đất đã sản sinh ra cho non sông một vị Đại tướng lừng danh. Thế nhưng, trong những ngày này, khi gió lạnh đầu mùa ùa về, lòng người về đây lại như buốt giá, tái tê bởi sự trống vắng trong tâm hồn. Tận sâu thẳm trong trái tim của mỗi người đều cảm thấy se sắt khi nghĩ rằng Đại tướng đã ra đi!

VNG_1_18_11_2013.jpg
Kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ Đại tướng

Có lẽ chúng ta chưa quen với sự ra đi này, nên ai ai cũng thấy như hụt hẫng khi ngồi trong căn nhà ấm áp này.

Nếu đất nước không có chiến tranh, chắc chắn chúng ta sẽ có một người thầy giáo đáng kính. Thế nhưng, kẻ thù lại không muốn cho cuộc đời của Người đi theo con đường mà Người đã chọn. Không cho lớp lớp đàn em được nghe nhiều hơn những giờ giảng về lịch sử nước nhà để dấy lên lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc thường trực trong mỗi con người, trong mỗi bờ tre gốc lúa vốn hiền hậu Việt Nam. Kẻ thù muốn vậy, thì đây, chúng ta đã có một Đại tướng văn võ song toàn, làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đập tan mọi âm mưu cướp nước của bè lũ cướp nước và bán nước. Đứng trước thời khắc và sứ mệnh của lịch sử, buộc Người phải “Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”. Tuy nhiên, tận trong sâu thẳm lòng Người, thời gian đứng trên bục gảng vẫn là những kỉ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất.

Trong khói nhang nghi ngút của nỗi niềm tiếc thương và biết ơn sâu nặng của lớp lớp các thế hệ hôm nay, ông Võ Đại Hàm, người cháu gọi Đại tướng bằng ông và là người trong coi, hương hỏa trong ngôi nhà này 36 năm qua cho biết. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 15 đoàn từ khắp các nơi trên mọi miền Tổ quốc tìm về và khoảng trên dưới 1000 lượt người tìm về thăm viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ vị Đại tướng vô vàn kính mến của mình.

Trong những đoàn và khách thăm viếng hôm đó, chúng tôi gặp ông Đinh Xuân Liệu, quê Hưng Thủy, Lệ Thủy, sống và làm việc tại Khe Sanh, Quảng Trị, người may mắn được gặp Đại tướng 2 lần. Ông bảo, khi hay tin Đại tướng mất, ông đang ốm nặng, không về thăm được. Bây giờ, khi đã kha khá trong người, ông vội vàng tìm về đây, thắp nén nhang tiễn biệt vị Tổng tư lệnh huyền thoại của mình. Lần gặp thứ nhất là vào năm 1977, khi ông còn công tác ở Trạm CN phục vụ nông nghiệp. Lần ấy Đại tướng về thăm quê, thăm nhà và ông có may mắn được gặp Người; lần thứ hai là vào năm 2006, có mặt trong đoàn CCB tỉnh Quảng Trị báo cáo thành tích sản xuất giỏi và ông được gặp, được may mắn chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng.

VNG_2_18_11_2013.jpg
Ông Đinh Xuân Liệu với tấm ảnh quý giá chụp cùng Đại tướng

Người thứ hai mà chúng tôi tiếp chuyện là anh Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc Công ty CP Mỹ nghệ Nghệ An cùng các thành viên trong đoàn vào thăm. Anh Toàn kể, năm 1995, Công ty anh (lúc bấy giờ có tên là Công ty XNK Thủ công Nghệ An) vinh dự được đón Đại tướng, bác gái (bà Đặng Thị Bích Hà) và chị Võ Hạnh Phúc vào thăm và làm việc với Công ty. Qua chuyến thăm, phẩm chất và nhân cách của Đại tướng đã để lại trong anh Nguyễn Trọng Toàn và đồng nghiệp của mình nhiều ấn tượng và sự thán phục. Anh Toàn cho biết thêm, dù tất bật với công việc nhưng anh em trong Công ty vẫn mong muốn một lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng. Anh còn nói thêm: Hai tỉnh Nghệ An và Quảng Bình chúng ta may mắn có được hai người con vĩ đại. Chúng tôi có Bác Hồ, các anh có Bác Giáp, đó là niềm tự hào của chúng ta vậy.

VNG_3_18_11_2013.jpg
Anh Nguyễn Trọng Toàn (thứ ba từ trái sang)
cùng cộng sự trước bàn thờ Đại tướng

Chúng tôi được bác Võ Đại Hàm cho biết về việc nhang khói cho Đại tướng ở nhà. Cũng giống như những người bình thường khác khi đi theo tiên tổ, các bữa ăn thường ngày đều đặt cúng cơm trắng với đĩa gừng nắm muối. Riêng các buổi cúng tuần, gia đình có làm thêm dĩa cá bóng kho khô, ít rau luộc - những món ăn ưa thích của Đại tướng lúc sinh thời. Tất cả đều do bàn tay khéo léo của bà Trần Thị Vân, vợ ông Hàm tự tay làm lấy (Sinh thời những chuyến vào thăm nhà, những món ăn của Đại tướng cũng đều do bà Vân đảm nhận).

Một con người được sánh với bậc thánh nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi trở về đất mẹ vẫn giữ “đất lề, quê thói” của miền chiêm trũng Lệ Thủy quê mình. Đó là điều mà không phải người nào cũng có và cũng không phải ai cũng có thể làm được.

Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm để tỏ lòng biết ơn với những bậc tiền nhân, những người mà nếu không có chiến tranh, họ sẽ là những người thầy giáo mẫu mực đáng kính. Xin mãi nhớ về vị Đại tướng, người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Xin được hô vang ngàn lần: “Việt Nam Hồ Chí Minh!”, “Việt Nam Võ Nguyên Giáp!”.

Bảo Châu

 

More