ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 55

  • Hôm nay 833

  • Tổng 10.512.643

TƯ TƯỞNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO.

Font size : A- A A+
 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Chỉ sau một ngày đọc tuyên ngôn độc lập. Ngày 3 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra lịch tiếp chuyện đại biểu nhân dân.

 Vào những ngày đầu tháng 10 năm 1945 trong một bài báo Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo chính quyền các cấp “Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới” và  ngày 23 tháng 11 năm 1945 Người đã ký Sắc lệnh số 64/SL về thành lập Ban thanh tra đặc biệt và đã xác định một trong những nhiệm vụ của Ban thanh tra đặc biệt là “Nhận các đơn khiếu nại”; có quyền gặp trực tiếp người lãnh đạo cơ quan nhà nước để bày tỏ nguyện vọng hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước. Ban  thanh tra đặc biệt có trách nhiệm “phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”, cũng như phải tiếp dân khi người dân đến gặp trực tiếp.

Theo quan điểm Hồ Chủ tịch, quyền khiếu nại, tố cáo liên hệ chặt chẽ với các quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của công dân và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo sẽ là phương tiện để công dân trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiểm tra, giám sát hành vi của cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Trong thư gửi đồng bào Liên khu IV Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nước ta là một nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân như Hội đồng nhân dân, mặt trận, công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc… Những đoàn thể đó là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết với nhân dân, với Chính phủ. Khi ai có gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam, đồng báo cần hiểu và khéo dùng quyền ấy”.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để giải quyết nhanh chóng kịp thời, dứt điểm các đơn khiếu nại, tố cáo phát sinh đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong bài “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu quốc số 65 ra ngày 12 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn, chỉ đạo và yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện, Người chỉ rõ: “ Muốn cho dân yên, muốn cho được lòng dân việc gì có lợi cho dân phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới” và Người đã giao cho cơ quan là Ban thanh tra đặc biệt “phải tiếp nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý đến công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nhanh, kịp thời. Theo quan điểm của Bác người dân có oan ức mới khiếu nại hoặc người dân do chưa hiểu chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước mà dẫn đến khiếu nại. Do vậy trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của các tổ chức thanh tra phải xem xét giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi khiếu nại, tố cáo của dân, dù là khiếu nại, tố cáo đó là do oan ức hay do chưa hiểu chính sách pháp luật. Trong Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 19 tháng 4 năm 1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Trong lúc này, có những cán bộ đảng viên, vì việc này, việc khác mà kêu, cán bộ thanh tra cũng phải xét kịp thời, nhanh chóng chừng nào hay chừng ấy. Đối với nhân dân việc kêu nài, có lúc không kêu nài đi nữa cán bộ thanh tra cũng phải thăm dò ý kiến nhân dân”. Người cũng quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo nguyên tắc, đúng quy định.

Theo tư tưởng của Người việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời sẽ tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân, thể hiện vai trò giám sát của nhân nhân đối với công việc của Đảng và Chính phủ. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 5 tháng 3 năm 1960 Người chỉ rõ: “ Về công tác xét và giải quyết khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ của Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng đó, đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ luôn quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ cũng cố tốt hơn”. Hồ Chủ tịch cũng chỉ ra rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo “nhanh” không đồng nghĩa, thậm chí hoàn toàn đối lập với giải quyết “ẩu”, giải quyết thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả. Người yêu cầu phải “Giải quyết nhanh, tốt” và phải chấp hành nghiêm chỉnh đúng pháp luật, đảm bảo chất lượng “Thấu tình, đạt lý”.

Người cũng chỉ ra rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo phải ngay từ cơ sở, nếu ở địa phương, ở cơ sở không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 5 tháng 3 năm 1960 Bác đã căn dặn cán bộ thanh tra “ Các cô, các chú làm thế nào đừng để nhiều thư khiếu nại gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương không giải quyết tốt cho dân nên phải tìm đưa đến Bác”.

Những tư tưởng, lời chỉ bảo căn dặn của Bác cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Trong lúc chúng ta đang triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì tư tưởng, lời chỉ bảo căn dặn đó của Người càng sâu sắc và thấm nhuần hơn trong mỗi một cán bộ, công chức chúng ta. Ngay bây giờ và hơn lúc nào hết các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức phải làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân nhanh chóng, kịp thời, khách quan, đúng quy định pháp luật, hạn chế đơn phát sinh tồn động kéo dài xãy ra; nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.

 

 

Nguyễn Xuân Thanh - Chánh Thanh tra

(Sưu tầm - Giới thiệu)

More