ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 46

  • Hôm nay 5459

  • Tổng 10.463.658

Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có liên quan đến cấp huyện và cấp xã

Font size : A- A A+

Ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

 Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Việc nắm bắt những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP để áp dụng vào công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở địa phương là yêu cầu thiết yếu đối với công chức làm công tác VBQPPL. Để công chức các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thuận tiện trong công tác tham mưu lĩnh vực này, Phòng Tư pháp giới thiệu Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có liên quan đến cấp huyện và cấp xã, cụ thể như sau:

1. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Luật năm 2020)

Thứ nhất, Luật sửa đổi đã bổ sung 02 hình thức VBQPPL mới: (1) Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (2) Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Luật năm 2020 quy định rõ Tổng Kiểm toán nhà nước là một chủ thể có quyền tổng liên tịch với các ngành khác; bộ, cơ quan ngang bộ không được liên tịch với nhau.

Thứ hai, mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cấp huyện, cấp xã. Nếu như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Gọi tắt là Luật năm 2015) chỉ cho phép HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL khi được luật giao thì Luật năm 2020 cho phép HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL khi được luật, nghị quyết của Quốc hội giao. Ngoài ra, cấp huyện còn được ban hành VBQPPL để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Thứ ba, Luật năm 2020 đã bổ sung, làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Luật năm 2020 quy định rõ thời điểm phản biện xã hội (phải trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến), hình thức phản biện (bằng văn bản độc lập); văn bản được phản biện (chỉ những văn bản liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân, của Mặt trận); cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện việc phản biện xã hội.

Thứ tư, bổ sung mới 03 loại VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn: (1) Ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; (3) kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Thứ năm, quy định cụ thể, hợp lý hơn về thời gian, thời hạn gửi hồ sơ, tài liệu; thời hạn đăng tải và đưa tin VBQPPL ở trung ương và địa phương. Đây là một trong những điểm mới cơ bản nhất của Luật năm 2020 với những quy định cụ thể sau:

- Tăng thời gian gửi hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện từ 10 ngày lên 20 ngày.

- Tăng thời gian gửi hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết của UBND cấp huyện từ 10 ngày lên 20 ngày; tăng thời hạn gửi báo cáo thẩm định từ 05 ngày lên 15 ngày.

- VBQPPL ở địa phương phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Thứ sáu, sửa quy định về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL

- Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.

- VBQPPL ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành, đồng thời phải được:

Thứ bảy, VBQPPL có thể bị đình chỉ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước khác

VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

Thứ tám, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới khi sửa VBQPPL đã ban hành trước ngày 01/7/2016

Theo đó, những quy định về thủ tục hành chính trong VBQPPL do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL 2015 được ban hành trước ngày 01/7/2016 thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới.

Trường hợp sửa đổi, bổ sung VBQPPL có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01/7/2016 thì không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

Thứ chín, quy định mới về kỹ thuật ban hành một văn bản dùng để sửa đổi nhiều văn bản. Luật năm 2020 quy định 03 trường hợp một VBQPPL được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều VBQPPL do một cơ quan ban hành, gồm: (1) Để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành; (3) để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt.

Thứ mười, bổ sung trường hợp ngưng hiệu lực của VBQPPL. Luật năm 2020 quy định rõ: Để kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL quyết định ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản.

2. Đối với Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

Thứ nhất, bổ sung loại văn bản không phải là VBQPPL

Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 3 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là VBQPPL như sau:

g1) Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch;”.

Như vậy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch không phải là một VBQPPL.

Thứ hai, bổ sung trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL được bổ sung khoản 3a như sau:

3a. Trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL.”.

Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản phải trả lời bằng văn bản đối với ý kiến đó.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các loại văn bản được kiểm tra, xử lý

Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Điểm a khoản 2 Điều 103 về văn bản được xử lý: “a) Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật; văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo;

Thứ tư, quy định 05 trường hợp VBQPPL được xem là văn bản trái pháp luật

Cụ thể, theo điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP, văn bản trái pháp luật gồm:

(1) Văn bản ban hành không đúng thẩm quyền;

(2) Văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn;

(3) Văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (nội dung mới bổ sung)

(4) Văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo;

(5) Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung trình tự rà soát theo căn cứ là văn bản (khoản 32 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự rà soát theo căn cứ là văn bản theo hướng bỏ quy định về việc xác định các trường hợp hết hiệu lực của văn bản tại điểm a khoản 4 Điều 149 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Thứ sáu, hoàn thiện quy định về trình tự hệ thống hóa văn bản (khoản 39 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Theo đó, khi thực hiện hệ thống hóa văn bản, cơ quan thực hiện hệ thống hóa văn bản có trách nhiệm tập hợp các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa, tập hợp kết quả rà soát văn bản thuộc đổi tượng hệ thống hóa, kiểm tra lại kết quả rà soát và rà soát bổ sung các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa, lập danh mục văn bản theo quy định, sắp xếp các văn bản còn hiệu lực thành Tập hệ thống hóa văn bản, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản. Bên cạnh đó, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về hình thức văn bản công bố kết quả hệ thống hóa (là văn bản hành chính thay vì quy định bắt buộc là quyết định hành chính như tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP); sửa đổi quy định về thời hạn công bố kết quả hệ thống hóa (chậm nhất là ngày 01 tháng 3 của năm liền sau năm cuối cùng của kỳ hệ thống hóa đối với kết quả hệ thống hóa văn bản của chính quyền địa phương các cấp); sửa đổi quy định về việc niêm yết Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực ở cấp huyện và cấp xã (niêm yết tại các địa điểm quy định tại Điều 98 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

Bên cạnh những điểm mới trên, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: bổ sung hướng dẫn về viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục VI; sửa đổi quy định về kỹ thuật viện dẫn văn bản, việc xây dựng báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; sửa đổi mẫu Quy chế ban hành kèm theo nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp, mẫu nghị quyết, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều; bổ sung mẫu nghị quyết, quyết định bãi bỏ một hoặc một số văn bản….

Cẩm Lệ - Phòng Tư pháp Lệ Thủy

 

 

 

More