ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 47

  • Hôm nay 1702

  • Tổng 10.488.713

LỆ THỦY TÍCH CỰC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2015

Font size : A- A A+
Từ đầu năm đến nay, huyện Lệ Thủy triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), góp phần từng bước hình thành tri thức pháp luật và lòng tin pháp luật trong nhân dân. 

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 19/12/2003 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân, huyện Lệ Thủy đã ban hành các loại văn bản chỉ đạo, điều hành; quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức đội ngũ và chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn. Về tổ chức đội ngũ, toàn huyện hiện có Hội đồng phối hợp PBGDPL gồm 20 thành viên; Lực lượng cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã có 42 người, trong đó có 30 cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; 75 giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân và giáo viên môn GDPL trong nhà trường; ở cấp xã có 228 tuyên truyền viên, 247 tổ hòa giải với 1.534 hòa giải viên. Thực hiện Đề án 4-2012, đến nay 100% xã, thị trấn đã thành lập Hội đồng phối hợp PBDGPL cấp xã và ban hành quy chế hoạt động.

Công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn luôn được chú trọng. Các thành viên của Hội đồng đã tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động PBGDPL. Tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các hoạt động PBGDPL; tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng để động viên, khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến và tìm ra các giải pháp tối ưu cho việc PBGDPL.

Công tác PBGDPL năm 2015 tiếp tục được thực hiện thường xuyên, sâu rộng đến nhân dân thông qua nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, nội dung phù hợp. Phòng tư pháp huyện đã tham mưu cho Hội đồng PBGDPL huyện tổ chức 14 hội nghị. Trong đó, 04 hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với 600 đại biểu tham dự. Các ngành phối hợp tổ chức 10 hội nghị phổ biến, quán triệt Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng chống thiên tai, Luật giao thông đường bộ, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng…

Công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng được UBND huyện chỉ đạo gắn với việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Phòng Tư pháp, Thanh tra huyện, Phòng VHTT, Đài TT-TH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tuyên truyền các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng và quy định về hồ sơ, trình tự, trách nhiệm và thời gian giải quyết thủ thục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của nhà nước. Ở cấp xã đã tổ chức các hội nghị cốt cán và triển khai về các thôn để tuyên truyền Hiến pháp 2013 và các văn bản Luật cho nhân dân. Đến cuối tháng 8/2015, các xã, thị trấn đã tổ chức được 156 cuộc với 18.958 lượt người tham gia.

Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật đã phát huy được hiệu quả. Đây là biện pháp trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, là công cụ hữu ích hỗ trợ trong việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của nhà nước cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, từ đầu năm đến nay đã tiến hành trợ giúp 250 vụ việc. Hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho cán bộ và nhân dân được trên 750 lượt người chủ yếu trên các lĩnh vực đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, hình sự, hộ tịch và lĩnh vực thực hiện các chế độ chính sách.

Các Câu lạc bộ An toàn giao thông, CLB thanh niên lập nghiệp, CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên, CLB nông dân với pháp luật, CLB không tham gia các tệ nạn xã hội hoạt động tốt có chiều sâu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, đồng thời gây dựng lòng tin đối với pháp luật trong nhân dân. Từ đó, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của các hội viên CLB nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL hiện vẫn còn một số hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PBGDPL; việc triển khai một số văn bản mới về tận cán bộ và nhân dân còn chậm do thiếu tính nghiên cứu chuyên sâu của một bộ phận công chức, viên chức và nhân dân. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL còn mỏng và kiêm nhiệm, chưa có chế độ thù lao nên phần nào hiệu quả công việc còn thấp.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới, Lệ Thủy tập trung đổi mới về nội dung và phương pháp, trong đó Phòng Tư pháp hướng dẫn về nội dung giáo dục pháp luật chú trọng đảm bảo tính thống nhất. Trên cơ sở nội dung, chương trình giáo dục pháp luật chung do Bộ Tư pháp ban hành, biên soạn lại phù hợp với đặc điểm, điều kiện, trình độ nhận thức, tính chất công việc của từng đối tượng cụ thể. Xác định đúng nội dung, phù hợp với đối tượng để phổ biến; Tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa báo cáo viên pháp luật và người nghe, tạo cho người nghe ý thức tìm hiểu pháp luật.

PBGDPL thông qua hình thức tuyên truyền miệng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tọa đàm, nói chuyện về pháp luật ở các thôn, bản, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị cơ sở; trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo; tạp chí; các trang thông tin điện tử, công báo của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh; Bản tin Tư pháp; Đài truyền thanh và Truyền hình; loa truyền thanh ở cơ sở. Duy trì và thực hiện mô hình “Ngày pháp luật”, thường xuyên đổi mới, sử dụng linh hoạt các hình thức để “Ngày pháp luật” trở thành kênh tuyên truyền, PBGDPL có hiệu quả cao.

Lồng ghép PBGDPL tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; hòa giải ở cơ sở, nhân rộng các mô hình như Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”…. Báo cáo viên trong các buổi lồng ghép nói chuyện chuyên đề phải là người có kiến thức chuyên ngành sâu rộng về lĩnh vực được trình bày và am hiểu pháp luật.

Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật nhằm động viên, khuyến khích đối tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đối tượng và nâng cao dân trí pháp lý.
Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Với những việc làm thiết thực, cụ thể, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn huyện. Đây là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự trị an trên địa bàn.

Đình Hoàng
Đài TT-TH Lệ Thủy 

More