ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 57

  • Hôm nay 10941

  • Tổng 10.510.464

LỆ THỦY ĂN TẾT ĐỘC LẬP

Font size : A- A A+
 Hơn 600 năm hình thành và phát triển, người dân Lệ Thủy gắn bó với dòng Kiến Giang xanh mộng hiền hòa. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất đều gắn với con thuyền gỗ: Cấy hái, gặt mùa, giỗ chạp, tảo mộ, chợ búa, đám đình.... Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Con thuyền trên song Kiến Giang thường gắn với các điệu: Mái khoan, mái xắp, mái đẩy...để điều tiết sức trai, sức gái trên đường đua xanh. Tết độc lập với người Lệ Thủy bao giờ cũng đi liền với lễ hội đua thuyền truyền thống. Đó là một nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng sông nước nơi đây.

 01_09_2013_DTTT_1.jpg

Đoàn bơi xuất phát ở ngã ba Mũi Viết

 

Vào ngày Quốc khánh, từ sáng sớm trên mọi ngả đường về thị trấn Kiến Giang đã nghìn nghịt người, xe... Sau phát súng lệnh, trai bơi như gầm lên gồng mình, sông cuộn sóng... Hàng chục thuyền bơi bật lên lấy đà ban đầu cho cuộc tranh tài. Trên bờ, tiếng reo hò vang dội, người phất cờ. Kẻ vẩy hoa, vẩy nón. Những bà, những mẹ xắn quần lội ra mép sông dùng nón lá múc nước tạt theo thuyền như những vòng cung nước lung linh... Sau thuyền đua là nhiều thuyền máy cắm cờ đỏ, trống nện liên hồi chạy theo động viên, thưởng thức.

Sông Kiến Giang vốn nhỏ, chảy hiền qua các làng mạc nay dậy sóng nâng những con thuyền chạy vào niềm phấn khích của cả vạn con người vẫy tay, reo hò không ngớt.

Hết mái xắp lấy đà, thuyền đua chuyển theo mái khoan dưỡng sức cho chặng nước rút. Tiếng hò cứ dội vào hai bên sông: “Khoan dô khoan - Hò khoan. Khoan dô khoan - Hò khoan, hoặc Hô lên - Hồ lên…”. Cứ đến nhịp hò khoan là hàng chục trai bơi đẩy mái chầm vục xuống nước đều rắp, tạo sức mạnh đẩy con thuyền vượt lên...

 

01_09_2013_DTTT_2.jpg
Rộn ràng không khí bơi đua

 

Ngày trước người Lệ Thủy đua thuyền bằng đò ngang (đò dùng để phục vụ lao động sản xuất). Rồi dần dần nâng lên thành đặc cách hóa, có mực thước hẳn hoi. Các làng các xã mua sắm, đóng riêng thuyền bơi đua chuyên dụng. Người xưa quê tôi có những quan niệm dị kỳ rằng: nếu cây gỗ nào khi hạ cội thân gỗ đổ xuống mà bay cách xa cội càng nhiều chừng nào thì cây gỗ đó làm thuyền đua, bơi càng tuyệt diệu.

Trong mỗi làng, mỗi xã đều có những ông thợ thuyền bơi đua nổi danh. Những ông thợ này đúc rút lâu năm từ thực tiễn nghề nghiệp trên sông nước. Họ chẳng được học qua môn động học, thủy học nào cả, chỉ là chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhưng với kiến thức thực tiễn đã giúp họ có được những kỹ năng trong lĩnh vực bơi đua. Họ tạo dáng thuyền, bố trí thang mấp, căng bóp từng đoạn, dùng dây tre chằng néo, chống chí để tạo dáng thuyền được như ý muốn ( bởi dây tre ít bị co giản). Bí quyết mực mẹo hơn nhau là ở cái nêm, đóng vào, nới ra để điều chỉnh dây néo kỹ thuật từ lòng thuyền lên đòn cân giữa hai mạn thuyền. Chỉ cần đóng vào hoặc nới ra một tý là tốc độ và kiểu dáng thuyền sẽ đi khác ngay. Người thợ cũng có biệt tài, điều chỉnh để cho thuyền có vận tốc nhanh khi bơi mái khoan, hoặc nhanh khi bơi dặt.

 

01_09_2013_DTTT_3.jpg
Không khí chuẩn bị cho thuyền bơi

 

Vận động viên trên thuyền ( gọi là trai bơi) ngồi hai mạn thuyền; những người lực lưỡng, nhanh nhẹn nhất thường được bố trí ngồi bơi ở cặp mũi, để ứng phó với những tình huống trên đường bơi và bơi giữ nhịp cho những người ngồi bơi cặp sau thả chầm theo nhịp. Giữa thuyền có người đứng gõ mõ chỉ huy nhịp bơi và hò cái để mọi người trên thuyền hò xố đáp lại, tạo nên khí thế, động viên sức mạnh. Trên thuyền cũng có người tát nước, có người cầm lái cai, có người chèo lái, có người chèo nhị lái (còn gọi là chèo phách), thường chọn những người tầm thước, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khôn khéo, có tài léo khút. Bộ ba này có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ nhau để điều khiển cho thuyền đi theo ý muốn.

Xưa, vận động viên đều mặc đồng phục màu sắc sặc sỡ; đầu đội mũ chúp nhọn sơn đỏ, hoặc chít khăn màu, có dãi thắt lưng. Nay, mỗi thuyền đèu chọn cho mình một bộ sắc phục riêng. Thuyền bơi, thuyền đua được vẽ trang trí theo kiểu truyền thống dân gian “đầu rồng, đuôi phụng”. Cả chiếc thuyền là biểu tượng của con rồng đang ưỡn mình oai phong vươn về phía trước.

Hàng năm mỗi dịp lễ hội đến là các làng đôi bờ Kiến Giang, lại chuẩn bị sửa sang lại thuyền bơi, thuyền đua để tập luyện. Khoảng sau ngày 20-8 trở đi đến ngày 2-9, không khí của những vùng dân cư đôi bờ Kiến Giang lại tưng bừng náo nhiệt hẳn lên. Mỗi làng chọn một ví trí để đặt thuyền và lập bàn thờ tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân, thờ thần trời, thần đất, thần sông, cầu cho quá trình đua thuyền diễn ra an toàn và giành được giải cao.

Trước lúc vào cuộc đua, các thuyền bơi, thuyền đua tập kết tại khu vực ngã ba Mũi Viết huyện để làm lễ và tổ chức diễu hành. Thuyền bơi đua lần lượt nối đuôi nhau kết dài, kế tiếp thuyền bơi, thuyền đua là đò kết, thuyền gắn máy trang trí pa nô cổ động cờ hoa rực rỡ. Sau diễu hành là các thuyền bơi, đua xếp hàng ngang qua sông theo vị trí xuất phát. Đây là giây phút hồi hộp nhất đối với vận động viên cũng như mọi người trên bờ. Khi có hiệu lệnh xuất phát là các đò truyền lệnh bơi. Bởi giây phút thiêng liêng nhất là thời khắc buông phao, nên mọi người đều đổ xô, tấp nập kéo về khu trung tâm từ sáng sớm để xem lễ buông phao. Bước đầu mới xuất phát, các thuyền đều bơi mái xắp, nên tiếng mõ, tiếng hô nhanh dặt liên hồi. Được một quãng để lấy đà, là người gõ mõ khắc một tiếng mõ để báo hiệu chuyển nhịp bơi sang mái khoan ( theo nhịp chậm hơn) tiếng hò cũng theo nhịp chậm lại. Giây phút buông phao là cao điểm náo nhiệt nhất trong cuộc đua; tiếng trống dục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người đôi bờ vẫy vẫy động viên trai bơi, gái đua; cùng với bọt nước tung tóe, sóng nước xôn xao; nhấp nhô nón trắng mũ màu, cờ hoa rực rỡ. Tạo nên một khoảng không lễ hội rộn ràng, xốn xang lòng người. Có lẽ, chỉ có Lệ Thủy mới có cả thuyền bơi nam, thuyền đua nữ tham gia lễ hội. Thuyền đua nữ cũng tương tự như thuyền bơi nam, nhưng có hình thể nhỏ hơn và vận động viên được chọn chị em phụ nữ sung sức, có dáng hình dẻo dai đứng chèo nhịp nhàng thanh thoát, người chỉ huy ngồi trước mũi thuyền cầm sanh chỉ huy nhịp chèo.

Cự ly đường bơi, đua dài, đi suốt qua nhiều làng xã, từ điểm xuất phát gọi là trung tiêu (ngã ba sông Tréo), lên đến thượng tiêu (cồn soi Trạm Mỹ Thủy), về đến hạ tiêu (cống An Lạc). Cả một chặng sông dài gần 13 km đều nằm trong phạm vi của lễ hội, với đường bơi một vòng là hơn 25 km. Nên đôi bờ Kiến giang ở đâu già trẻ, gái trai cũng đổ xô ra bờ sông để xem hội đua thuyền. Vui lắm, sôi nổi lắm! Thuyền bơi đua đi qua một khúc sông mọi người lại cứ nơm nớp chờ đón chặng đua sau để xem thuyền ai lại về trước. Trên đường bơi, đua có sự linh hoạt theo từng chặng và theo sở trường, đặc điểm của mỗi thuyền, bởi vậy mà trên đường bơi có những cuộc léo khút, giành giật bứt phá ngoạn mục, bất ngờ, hấp dẫn. Cũng bởi đường bơi, đua dài nên thuyền bơi, đua ở Lệ Thủy phải tạo dáng và bắt néo, căng bóp để thuyền đi được đường trường, lúc bơi mái khoan là để dưỡng sức trai, khi bơi mái nhặt để bớt phá vượt lên nhau.

Không chỉ mừng Tết Độc lập, lễ hội bơi thuyền ở Lệ Thủy còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi và thể hiện tinh thần thượng võ của người dân vùng quê sông nước.

Thắng hay thua sau cuộc tranh tài cũng đều vui... như hội. Mừng quốc khánh 2-9 của đất nước, người dân Lệ Thủy ăn Tết độc lập, con cháu bốn phương đều quy tụ, hân hoan. Ngoài Tết Nguyên Đán, người dân ăn Tết Độc lập cũng có bánh trái, cỗ bàn, phần lễ gồm mít tinh trọng thể phát động thi đua, diễu hành trên sông. Với người Lệ Thủy, hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc lập một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa hôm qua và mãi những ngày hôm sau.

 

THIÊN HƯƠNG

(lethuy.edu.vn)

More