ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

320 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 38

  • Hôm nay 1165

  • Tổng 10.459.362

Thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Lệ Thủy và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Font size : A- A A+

Hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam, là hoạt động mang tính tự nguyện, tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Qua việc thuyết phục, vận động, các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp trên nguyên tắc tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. 

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Sở Tư pháp về công tác hoà giải, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác hoà giải trên địa bàn huyện. Công tác hoà giải trong những năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo nên chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

Hiện nay toàn huyện có 187 thôn, bản và có 215 tổ hòa giải với 1.252 hòa giải viên. Đội ngũ này đã được kiện toàn và đi vào hoạt động. Thành phần tham gia tổ hoà giải có Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng các đoàn thể tại thôn, bản, tổ dân phố như: Hội Phụ Nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư…

         Hàng năm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tư pháp mở các lớp tập huấn chuyên đề về công tác tư pháp, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cấp huyện, xã và các ngành liên quan trong đó có nội dung về công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn UBMTTQVN cấp xã lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải; khuyến khích những thành viên của tổ chức mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải.

Nhờ vậy, kết quả các vụ việc hòa giải thành trên tổng số vụ việc tiếp nhận đã đạt tỷ lệ cao.

UBND xã Hoa Thủy tổ chức hòa giải vụ tranh chấp đất (ngày 23/3/2021). 

(Ảnh do công chức Tư pháp - Hộ tịch xã cung cấp)

Kết quả 3 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn đã tiến hành hòa hoà giải thành 508/596 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,23%; số việc hoà giải không thành 64 vụ việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là:

- Một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

- Vai trò của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được quy định rõ trong Luật. Tuy nhiên, việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp chưa cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp. Vì vậy, sự phối hợp trong công tác hòa giải đôi lúc chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, thiếu chủ động dẫn đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa cao.

- Chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo số liệu thống kê năm 2020, số hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật là 21/1.252 người (chiếm 1,68%).

- Một số hoà giải viên còn thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải nên kết quả hòa giải còn hạn chế; một số hòa giải viên còn có tâm lý cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên chưa nhiệt tình trong việc hòa giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên còn ngại va chạm, thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn dân cư. Hoạt động hoà giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn huyện, một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Chưa thống kê được các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn đã được hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc tái mâu thuẫn, tranh chấp hoặc nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở thì kinh phí hoạt động của các tổ hòa giải do ngân sách nhà nước cấp. Mặc dù ở Quảng Bình từ năm 2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 và đến năm 2015 được thay thế bằng Nghị quyết số 106/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 quy định nội dung chi, mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp; công tác hòa giải ở cơ sở; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nghị quyết này được UBND tỉnh cụ thể hoá bằng Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 nhưng do Lệ Thuỷ là một trong những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên việc bố trí kinh phí riêng cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa có hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại cấp xã, chưa có đơn vị nào thực hiện mức chi cho công tác hòa giải theo quy định. Một số xã đã có chủ trương giao cho công chức Tư pháp - Hộ tịch hoàn thiện hồ sơ sau khi hòa giải thành để hỗ trợ cho các tổ hòa giải đối với từng vụ việc sau khi hòa giải thành nhưng trên thực tế vẫn chưa triển khai.

- Đội ngũ hòa giải viên là những người sinh sống tại địa bàn cơ sở, được nhân dân tín nhiệm bầu và UBND cấp xã ra quyết định công nhận, hoạt động tự nguyện, tự quản vì lợi ích chung của cộng đồng và đa phần trong số họ là những người cao tuổi, có kinh nghiệm, uy tín nhưng khả năng, điều kiện cập nhật thông tin pháp luật bị hạn chế.

- Nhiều hòa giải viên ở các xã miền núi chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục dựa trên uy tín và kiến thức hiểu biết của mình.

Từ thực trạng trên, để đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở thiết nghĩ cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Tăng cường tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và MTTQVN các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa MTTQVN và UBND các cấp, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các vụ việc hoà giải ở cơ sở.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp, đội ngũ hòa giải viên; khuyến khích luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc tư vấn, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ hòa giải; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Xác định rõ mục đích của công tác hoà giải ở cơ sở là hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ ban đầu nhằm ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần xác định trách nhiệm của hòa giải viên trong công tác hòa giải ở cơ sở là người “mở nút thắt” trong các vụ việc tranh chấp, đòi hỏi mỗi hòa giải viên cần phải tận tâm với công việc, trung thực, khách quan trong khi giải quyết các tranh chấp.

          - Vận động các hòa giải viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến do Sở Tư pháp tổ chức, phát động hưởng ứng, tích cực tìm hiểu pháp luật qua các kênh thông tin như đài truyền hình trung ương, địa phương, các bản tin và chuyên mục “Pháp luật và đời sống” của huyện Lệ Thủy…..

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

- Huy động các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hoà giải viên. Sớm bố trí kinh phí cấp cho công tác hoà giải, hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.

Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế- xã hội nên sẽ không tránh khỏi nhiều mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hoà giải. Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lệ Thủy nói chung và cán bộ làm công tác hoà giải  nói riêng phải tạo được sự chuyển biến hơn nữa trong nhận thức và chỉ đạo, thực hiện nhằm đưa công tác hoà giải đạt kết quả ngày càng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị mà địa phương giao phó./.

Lê Thanh Nghị

Phòng Tư pháp huyện Lệ Thủy

More