ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

315 người đã tham gia bình chọn

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 314

  • Tổng 10.145.268

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CÂU LẠC BỘ PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỆ THỦY

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. 

Toàn huyện hiện có 79 Câu lạc bộ pháp luật được thành lập từ huyện đến cơ sở và khá đa dạng về lĩnh vực, nội dung hoạt động và cả đối tượng tham gia sinh hoạt. Các Câu lạc bộ pháp luật được thành lập và hoạt động theo Điều lệ với nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận; các thành viên câu lạc bộ làm việc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, cùng thống nhất hành động, là nơi để giao lưu, trao đổi, tìm hiểu pháp luật. Đã có nhiều câu lạc bộ được thành lập như: Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, Câu lạc bộ An toàn giao thông, “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Phòng - chống bạo lực gia đình”, Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Câu lạc bộ “Phòng chống ma túy”, Câu lạc bộ “Không tham gia các tệ nạn”… Với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với yêu cầu thực tiễn, các câu lạc bộ đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng cao và đi vào nền nếp, nhiều mô hình đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, được nhân rộng ở nhiều cơ quan, đơn vị và cơ sở.

Xác định rõ vị trí, vai trò của Câu lạc bộ pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các câu lạc bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên đối tượng đặc thù, địa bàn khó khăn và chú trọng tuyên truyền các văn bản liên quan đến bảo vệ lợi ích của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt trong thời gian qua đã tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều hình thức phong phú: Trong 06 tháng đầu năm 2021 các câu lạc bộ trên địa bàn đã tổ chức 50  buổi nói chuyện, tọa đàm chuyên đề; tổ chức hoạt động thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến về Cuộc bầu  cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Sở Tư pháp tổ chức với hơn 150 bài dự thi, giải đáp pháp luật về hôn nhân gia đình cho 60 lượt thanh, thiếu  niên ở vùng đồng bào dân tộc, thi sáng tác các tác phẩm văn hoá, văn nghệ có nội dung pháp luật và đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia hòa giải thành 47 vụ việc. Ngoài ra trên địa bàn 04 xã biên giới (Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc, Kim Thủy, Lâm Thủy) có 04 tổ tư vấn pháp luật/17 tổ viên; Đã tham mưu, phối hợp tổ chức 08 Hội nghị tập huấn cho 203 người tham gia. Hội nghị đã trực tiếp bồi dưỡng kiến thức QP, AN, KT, CT, XH…; kỹ năng về báo cáo viên, tuyên truyền viên; kỹ năng phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình....Phổ biến Luật Biên giới quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành luật biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biển Việt Nam, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo,.

Nội dung sinh hoạt được chú trọng và đổi mới tập trung vào các quy định mới, nổi bật của pháp luật trong lĩnh vực: Dân sự, hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình... phù hợp với từng nhóm đối tượng và lứa tuổi để xây dựng nội dung phù hợp, thiết thực và bổ ích. Cụ thể: đối tượng là phụ nữ thì tập trung tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, sức khoẻ sinh sản...; đối tượng là nông dân thì tập trung phổ biến về chính sách xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; đối tượng là người lao động thì tuyên truyền về pháp luật lao động, chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm, công đoàn; đối tượng là đoàn viên, thanh niên thì tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc làm, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy... Bên cạnh đó, các chính sách, quy định của cấp ủy, chính quyền các cấp được các Câu lạc bộ quan tâm, khai thác và kịp thời tuyên truyền đến các hội viên và Nhân dân.

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mỗi thành viên Câu lạc bộ thực sự là những hạt nhân tích cực, tiêu biểu trong mọi hoạt động và là một tuyên truyền viên trong gia đình, địa bàn nơi cư trú, nơi công tác trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đoàn thể để vận động tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia tạo sự liên kết và lan tỏa trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao dân trí pháp lý.

Qua quá trình hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật cũng như các thành viên đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở từng thôn, xóm, cụm dân cư, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình Câu lạc bộ pháp luật còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như:

- Một số cơ quan đơn vị, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng Câu lạc bộ pháp luật nên việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả hoạt động chưa tướng xứng với mục tiêu, yêu cầu đề ra.

- Phương thức hoạt động một số Câu lạc bộ pháp luật chưa thực đổi mới và chưa bắt nhịp với yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; nội dung sinh hoạt còn trùng lắp, đơn điệu, chậm cập nhật các chủ trương, chính sách mới và chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng, có nơi hoạt động câu lạc bộ còn hình thức, do đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ cũng như lãng phí nguồn lực; phần lớn nhân sự Ban Chủ nhiệm làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thành viên cũng thay đổi thường xuyên nên chưa có tính ổn định và kế thừa; trình độ và kỹ năng của thành viên Câu lạc bộ chưa đồng đều, phần lớn chưa được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa cao; nguồn kinh phí hoạt động còn khó khăn do nguồn tự đóng góp của các thành viên nên có nhiều khó khăn trong hoạt động.

 - Ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân còn hạn chế: Người dân thường chỉ quan tâm đến pháp luật khi các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình dẫn đến việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật chưa thu hút được sự quan tâm của nhân dân; ý thức, trách nhiệm một số cán bộ chưa cao, còn có biểu hiện gây khó dễ, phiền hà cho nhân dân, nhất là khi giải quyết thủ tục hành chính.

Từ những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế và để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, mô hình Câu lạc bộ pháp luật cấn tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới, nội dung, hình thức hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật. Trong đó, chú trọng áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của Nhân dân. Tăng cường tổ chức các hội nghị trao đổi đa chiều, các hội thi, cuộc thi, đặc biệt là thi tìm hiểu các văn bản luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội; quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, có nguy cơ vi phạm cao; tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức giao lưu, phổ biến pháp luật, gắn với sinh hoạt cộng đồng, họp thôn, tổ dân phố hoặc văn hóa, văn nghệ.

Thứ hai, tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ; định hướng chủ đề, nội dung, hình thức sinh hoạt và theo dõi tình hình tổ chức và hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật gắn với triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh và đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy đầy đủ vai trò của Câu lạc bộ pháp luật trong công tác PBGDPL.

Thứ ba, tiếp tục khuyến khích, thu hút, huy động và tạo điều kiện để những người đã và đang công tác trong các cơ quan pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật để định hướng thảo luận, giải đáp vướng mắc pháp luật, tư vấn hỗ trợ người dân tháo gỡ qua các vụ việc, tình huống cụ thể. Có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các Câu lạc bộ pháp luật hoạt động như: hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, kinh phí, hỗ trợ một phần kinh phí hội nghị, tài liệu sinh hoạt, cơ sở vật chất, địa điểm, phương tiện... Định kỳ tổ chức khảo sát, kiểm tra, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc và sơ kết, đánh giá tình hình hoạt động Câu lạc bộ pháp luật để có giải pháp giải quyết phù hợp.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức các hội nghị PBGDPL đến người dân; lồng ghép nội dung PBGDPL với các hội nghị có liên quan. Thực hiện PBGDPL đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách chủ động, thường xuyên và liên tục, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về thông tin, phổ biến các quy định pháp luật cho người dân; các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục văn bản pháp luật (tin tức, phóng sự, câu chuyên pháp luật...) trên hệ thống phát thanh, truyền thanh, báo, đài, các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thông tin về những tấm gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay trên các lĩnh vực của kinh tế, đời sống, văn hóa, xã hội, kịp thời phản ánh những mặt tiêu cực, biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong chấp hành pháp luật để người dân học tập, làm theo và chấp hành tốt Hiến pháp, pháp luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, Đảng viên, người dân trên các Cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo (ở những nơi có điều kiện).

Thứ năm, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đều PBGDPL thông qua tài liệu tuyên truyền pháp luật dưới dạng sách, bản tin, pano, biển áp phích, tờ rơi nội dung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Tăng cường PBGDPL thông qua công tác xét xử, xét xử lưu động, phiên tòa rút kinh nghiệm về hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hiện pháp luật cho người dân. Mở rộng các hình thức PBGDPL thông qua tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân với các hình thức khác.

Thứ sáu, nhiều địa phương đang đẩy mạnh PBGDPL thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Thực hiện phổ biến thông qua công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động của các câu lạc bộ ở những nơi có điều kiện.

Thứ bảy, Xác định đúng đối tượng và nhu cầu pháp lý để lựa chọn hình thức, nội dung, biện pháp thích hợp, mang lại hiệu quả cho từng đối tượng. Thường xuyên phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp và các tổ chức đoàn thể hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tăng cường củng cố, kiện toàn, phát huy tốt chức năng của Tổ hoà giải ở cơ sở.

Thứ tám, tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của Mặt trận và các các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Xây dựng tủ sách pháp luật; lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; thực hiện phương châm “mỗi người dân là một tuyên truyền viên pháp luật” trong cộng đồng; nâng cao chất lượng dạy học pháp luật trong trường học. Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình tuân thủ pháp luật của người dân, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật gắn với việc biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu về tuyên truyền và chấp hành pháp luật.

Lê Thanh Nghị

PHÒNG TƯ PHÁP HUYỆN LỆ THỦY

Các tin khác